Nhiều kết quả quan trọng, bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 29/06/2018
Kế thừa và phát triển
Sau 8 năm triển khai Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, đặc biệt là hơn 2 năm thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020, nông thôn Hà Nội tiếp tục có nhiều đổi thay tích cực. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, thành phố có 3 huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn lên 4/18 huyện, thị xã (chiếm 22,22%); có thêm 93 xã được công nhận nông thôn mới; nâng số xã đạt chuẩn lên 294/386 xã (chiếm 76,16%), tăng 49 xã so với kế hoạch đề ra.
Trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả. Ảnh: Bá Hoạt |
Nếu như giai đoạn 1, Chương trình 02-CTr/TU lấy dồn điền, đổi thửa làm khâu đột phá thì bước sang giai đoạn 2, Chương trình đã tập trung vào tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất... Từ chỗ chưa có mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, toàn thành phố đã có 123 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 114 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình đóng vai trò quan trọng, quyết định tính bền vững trong tổ chức sản xuất nông nghiệp. So với năm 2015, đến hết năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn thành phố ước đạt 43.110 tỷ đồng, tăng 4,44%; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 2,57%...
Nhiều xã, huyện sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới đang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, như các huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì... Kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU hiện nay đối chiếu với mục tiêu chương trình đặt ra đầu nhiệm kỳ (có 80% số xã và 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới) cho thấy Chương trình đạt được những kết quả rất khả quan…
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội đạt được những kết quả đó bởi có những cách làm sáng tạo và bài bản: Từ việc thành lập Ban Chỉ đạo đến ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch để triển khai; quá trình thực hiện có kiểm tra, giám sát và thường xuyên tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Chương trình 02-CTr/TU đã thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia tích cực, rất trách nhiệm của người dân. Hơn hai năm qua, đã có 212 cá nhân, hộ gia đình đóng góp 100 triệu đồng trở lên để góp sức xây dựng nông thôn mới…
Xây dựng nông thôn mới nâng cao
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, mặc dù đạt kết quả cao song Chương trình 02-CTr/TU vẫn còn rất nhiều việc phải làm: Tiêu chí nông thôn mới liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng thêm; sau khi các xã, huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, điển hình; dồn điền đổi thửa đã hoàn thành nhưng mới chỉ là kết quả bước đầu, nếu không đẩy mạnh được sản xuất để nâng cao giá trị canh tác thì việc dồn điền đổi thửa sẽ không đạt ý nghĩa và kỳ vọng…
Ngoài việc chỉ rõ những mặt hạn chế, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Đó là, tổ chức lại sản xuất theo kế hoạch tái cơ cấu sản xuất ngành giai đoạn 2016-2020; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, trọng tâm là sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản, chăn nuôi, thủy sản... Tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả cơ chế, chính sách hiện có của Trung ương và thành phố về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp...
Đối với xây dựng nông thôn mới, Hà Nội tập trung chỉ đạo 4 huyện: Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất triển khai thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới hoàn thành trong năm 2018; đồng thời, tập trung chỉ đạo 3 huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Thanh Oai đạt huyện nông thôn mới vào năm 2019, 2020; thị xã Sơn Tây đạt nông thôn mới vào năm 2019. Không dừng lại ở số xã, huyện đạt chuẩn, Hà Nội chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Từ thành công ban đầu, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 85% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5% so với mục tiêu ban đầu); 10-12 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 2 huyện so với mục tiêu ban đầu); thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%... Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố tiếp tục nỗ lực phát huy thành tích đạt được, khắc phục tồn tại, bám sát chỉ tiêu nhiệm kỳ, đẩy mạnh các nhóm giải pháp đồng bộ... nhằm tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2016 đến hết tháng 3 năm 2018, toàn thành phố đã huy động được hơn 25.093 tỷ đồng cho Chương trình 02-CTr/TU; trong đó, hơn 2.248 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Đặc biệt, 12 quận nội thành đã chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 284,9 tỷ đồng; trong đó nổi bật là quận Thanh Xuân hỗ trợ 3 huyện: Ba Vì, Đông Anh, Thanh Oai với tổng kinh phí là 141 tỷ đồng. |