Thủ đô Hà Nội - chặng đường 10 năm thắng lợi
Chính trị - Ngày đăng : 07:34, 29/06/2018
Đại lộ Thăng Long, một trong những công trình lớn, hiện đại đã phát huy hiệu quả rõ nét. Ảnh: Bá Hoạt |
Nhìn lại quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội, đây là lần mở rộng quy mô Thủ đô lớn nhất trong lịch sử. Một quyết định mang tầm vóc lớn, có ảnh hưởng và tác động lâu dài và nhiều mặt đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Ý thức sâu sắc và đầy đủ trách nhiệm trước trung ương và cả nước, ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết số 15 của Quốc hội, Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết với phương châm “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm”, tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của đất nước. Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, lãnh đạo cấp ủy hai Đảng bộ Hà Nội và Hà Tây đã triển khai hết sức khẩn trương hàng trăm, hàng nghìn công việc. Trước tiên là tiến hành hợp nhất tổ chức bộ máy, sắp xếp bố trí cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị, một công việc quan trọng và đầy khó khăn nhằm bảo đảm sự vận hành thông suốt từ ngày 1-8-2008 cho mọi hoạt động của đời sống xã hội, của nhân dân, của doanh nghiệp.
Tiếp đến là việc nhất thể hóa các cơ chế, chính sách của bốn địa phương đã ban hành trước đó; rà soát, khớp nối các quy hoạch, các dự án, tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc điều hành, quản lý sau khi hợp nhất. Thành công hết sức quan trọng là sau thời điểm hợp nhất, mọi công việc của thành phố từ lớn đến nhỏ, đơn giản đến phức tạp, đều được vận hành và giải quyết suôn sẻ; bộ máy, biên chế không phình ra; trụ sở các cơ quan, đơn vị, cùng toàn bộ cơ sở vật chất của các địa phương hợp nhất được bố trí sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm... Nội bộ lãnh đạo từ thành phố đến các cấp, các ngành luôn đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Sau 10 năm hợp nhất, kinh tế, xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, nông - lâm - thủy sản phát triển toàn diện. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Thủ đô tiếp tục hoàn thiện. Việc hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng được quan tâm, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy thế mạnh ở từng địa phương và trong toàn vùng. Thành phố đã tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cả ở nội và ngoại thành; giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng. Liên kết và hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được mở rộng.
Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008-2017 bình quân đạt 7,4%/năm; trong đó dịch vụ tăng 7,43%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,23%, nông nghiệp tăng 2,84%; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 86 triệu đồng, tương đương 3.910 USD/người, gấp 2,3 lần so với mức 1.697 USD/người vào năm 2008 là năm đầu hợp nhất. Thu ngân sách tăng bình quân 15,76%/năm, đến năm 2017 đạt 212.276 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2008. Thành phố đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020”; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô đã tạo điều kiện cho Hà Nội có được những cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực, dù chưa đáp ứng một cách đầy đủ yêu cầu trước mắt và lâu dài, nhưng cũng giúp cho Thủ đô thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành. Đây là những định hướng rất quan trọng để Thủ đô phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Các lĩnh vực xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được đặc biệt chú trọng và có nhiều chuyển biến, tiến bộ rõ rệt. Nhiều năm liền thành phố chọn chủ đề “Năm kỷ cương hành chính”, “Năm trật tự và văn minh đô thị” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đến nay, tiếng kêu ca, phàn nàn trong doanh nghiệp và nhân dân đã giảm nhiều. Thành phố đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hàng loạt dự án lớn, hiện đại đã được hoàn thành như: Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài; đường Vành đai 3 trên cao, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; một số cây cầu mới: Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Đông Trù và 7 cầu vượt đã được hoàn thành, góp phần đáng kể giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Thành phố đã triển khai thi công các tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội; nghiên cứu đề xuất, triển khai tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng nhiều khu đô thị, trung tâm thương mại mới, hiện đại.
Cùng hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, công tác xây dựng nông thôn mới cũng được tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả nổi bật, thu hẹp khoảng cách đời sống giữa nông thôn và thành thị. Trong 10 năm qua, thành phố đã huy động bình quân khoảng 1.800 tỷ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này tiếp tục tăng lên; tới hết năm 2017, ước đạt 38 triệu đồng/người/năm, gấp 3 lần năm 2008 (13 triệu đồng). Tiếp theo Đan Phượng, các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì lần lượt được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Việc dồn điền, đổi thửa, một việc rất quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, song nhờ sự tập trung chỉ đạo và quyết tâm cao của cán bộ và nhân dân, đã đạt trên 97% những diện tích có thể dồn đổi, tạo tiền đề phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại sản xuất, chăn nuôi tập trung, trồng hoa, trồng cây ăn quả đem lại thu nhập vài ba tỷ đồng trên một héc ta.
Đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Thành phố đã quan tâm đầu tư, hoàn thiện hệ thống các thiết chế văn hóa và bảo tồn, tôn tạo, nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô. Xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trên địa bàn. Các hoạt động văn học, nghệ thuật, giao lưu văn hóa trong nước, khu vực và quốc tế tiếp tục mở rộng. Nhiều phong trào, hoạt động xây dựng mô hình văn hóa ở cơ sở được triển khai đạt kết quả tốt; văn hóa các vùng miền tiếp tục phát huy và phát triển hài hòa làm phong phú thêm truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội của thành phố luôn là những chủ trương và việc làm đi đầu, dẫn đầu cả nước theo hướng tiến bộ, văn minh. Thành phố cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đã xây dựng và triển khai Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, đưa vào giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô... góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững trong mọi tình huống. Hà Nội là Thủ đô an ninh, an toàn, bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt bình yên cho người dân Thủ đô và du khách trong, ngoài nước. Quốc phòng và quân sự địa phương được củng cố, tăng cường. Quan hệ, liên kết với các tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và nước ngoài; quan hệ đối ngoại, giao lưu hợp tác với thủ đô các nước, các tổ chức quốc tế được đẩy mạnh theo hướng mở rộng hơn, sâu sắc hơn. Hiện nay Thủ đô Hà Nội có quan hệ hợp tác, hữu nghị với hơn 100 thành phố và thủ đô các nước.
Đảng bộ Hà Nội được Trung ương ghi nhận là Đảng bộ gương mẫu, đi đầu, có nhiều việc làm chủ động, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Chương trình 01 của Thành ủy, nâng cao ý thức tự phê bình và phê bình, thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, lề lối làm việc; tăng cường đoàn kết, quyết tâm sửa chữa, khắc phục hạn chế, khó khăn; nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Thành ủy Hà Nội là nơi đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, Thành ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ, như Nghị quyết 09 về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; Đề án số 06 về kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội; chủ trương giảm bớt các đoàn đi công tác nước ngoài; hạn chế xây dựng, đầu tư, mua sắm công...
Những thành tựu to lớn và toàn diện đạt được trong 10 năm qua là minh chứng hết sức sinh động và đầy thuyết phục về tầm nhìn và tính đúng đắn của quyết định mang tính lịch sử của Đảng và Quốc hội. Đó cũng là kết quả của sự nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, sự đoàn kết, nhất trí cao trong hệ thống chính trị. Trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh thành công của công tác tổ chức, cán bộ của thành phố, một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và khó khăn, song thành phố đã tổ chức thực hiện với một tinh thần nghiêm túc, dân chủ, công tâm, trong sáng. Đó cũng chính là nhân tố quan trọng bảo đảm cho những thành công tiếp theo trong 10 năm qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, những bài học thành công, trong quá trình triển khai công việc 10 năm qua, Hà Nội cũng còn những việc làm chưa tốt, hoặc còn có thiếu sót, khuyết điểm. Đó là, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh Thủ đô; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp. Một số tiêu chí cơ bản về tái cơ cấu kinh tế thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra; kinh tế tri thức phát triển chậm; chưa phát huy được thế mạnh các nguồn lực về vốn, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động để tập trung cho đầu tư phát triển. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước còn gặp không ít những vướng mắc về cơ chế, chính sách. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, chuyên canh chậm được nhân rộng. Hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò đầu tàu, điều phối kinh tế vùng hiệu quả còn thấp. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, đất đai, môi trường... chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Các lĩnh vực hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế có mặt còn chưa đáp ứng tốt nhu cầu và yêu cầu của nhân dân...
Trên cơ sở những kết quả và thành tựu to lớn của Thủ đô và đất nước 10 năm qua, cùng với quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, trong những năm tới Thủ đô Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Trên con đường đi tới, mặc dù sẽ còn không ít khó khăn, thách thức mới đặt ra, song, điều cốt yếu và quan trọng là những chủ trương lớn, những tiền đề quan trọng nhất về chính trị, kinh tế, xã hội bảo đảm cho sự phát triển lâu dài và bền vững của Thủ đô đều đã được xác định, được cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng phát triển Thủ đô, ghi rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.
Phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, sự chủ động và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội sẽ hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước, của nhân dân Thủ đô và cả nước.
Tiến sĩ PHẠM QUANG NGHỊ
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội