Dồn lực cho ASIAD 2018
Thể thao - Ngày đăng : 07:32, 30/06/2018
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về tiến trình chuẩn bị cho ASIAD 2018 của thể thao Việt Nam?
- Công tác chuẩn bị đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Một số vận động viên chủ chốt hiện vẫn tập huấn ở nước ngoài nhưng kế hoạch huấn luyện của họ đều được kiểm soát chặt chẽ, hằng tuần có báo cáo chi tiết của huấn luyện viên về từng vận động viên. Cứ 2 tuần/lần chúng tôi tổ chức giao ban trực tuyến với các huấn luyện viên để có phương án điều chỉnh kịp thời với những vấn đề phát sinh. Về nguyên tắc trong tập luyện, lãnh đạo ngành không để vận động viên thiếu thốn điều gì.
Vận động viên cử tạ Thạch Kim Tuấn - một trong số gương mặt được kỳ vọng giành Huy chương vàng tại ASIAD 2018. |
- Nhận chỉ tiêu giành 3 Huy chương vàng ASIAD 18, ông có cảm thấy áp lực không?
- Tại ASIAD, việc giành huy chương là rất khó khăn, chưa nói đến việc giành Huy chương vàng. Vì vậy, chỉ tiêu nói trên tạo áp lực rất lớn, nhưng chúng ta phải cố gắng thực hiện. Tôi tin các vận động viên sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Hiện tại, các vận động viên có khả năng tranh chấp Huy chương vàng đều rất quyết tâm luyện tập. Đã bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng, lãnh đạo ngành sẽ cố gắng đáp ứng tốt nhất điều kiện phục vụ cho quá trình luyện tập của vận động viên.
- Thời gian qua đã có sự lo ngại về phong độ thi đấu của nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh. Ông nhận định thế nào về cơ hội của xạ thủ này tại ASIAD 18?
- Kể từ sau Olympic năm 2016 đến nay, Hoàng Xuân Vinh vẫn chưa tiếp cận được chỉ số thành tích mà anh từng đạt được. Tôi đã nhiều lần trao đổi với huấn luyện viên Nguyễn Thị Nhung và chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung Gun, rằng phải kịp thời điều chỉnh kế hoạch huấn luyện. Báo cáo gần nhất cho thấy Hoàng Xuân Vinh có trạng thái tâm lý ổn định. Tuy nhiên, chưa thể nói trước về chỉ số thành tích tại ASIAD 2018 của anh ấy có được như mong muốn hay không. Chúng ta cũng phải lưu ý đầu tư cho các vận động viên có vai trò hỗ trợ Hoàng Xuân Vinh trong quá trình thi đấu.
- Theo ông, khó khăn lớn nhất trong quá trình chuẩn bị của đoàn thể thao Việt Nam là gì?
- Khó nhất là bảo đảm điều kiện tập luyện cho vận động viên bởi không dễ chọn được chỗ tập tốt cũng như "quân xanh" phù hợp để tập luyện...
- Tình hình tập luyện của những vận động viên trong diện “quy hoạch huy chương” như thế nào, thưa ông?
- Ngoài vận động viên bơi Nguyễn Thị Ánh Viên đang tập huấn tại Mỹ với điều kiện rất tốt, chúng ta cũng có một số gương mặt được kỳ vọng đang tập huấn tại Thụy Sĩ, Thái Lan... Với những vận động viên này, chúng tôi thường xuyên trao đổi trực tiếp với huấn luyện viên, vận động viên để nắm tình hình. Tôi mong Việt Nam sẽ có Huy chương vàng ASIAD ở các môn cơ bản của Olympic như bơi lội, điền kinh.
- Nhưng cũng có một số đội nói rằng họ khó chọn địa điểm thi đấu, ví như tổ chạy 400m…
- Với môn điền kinh, thực ra nội dung có khả năng tranh chấp huy chương lớn nhất là nhảy xa. Gương mặt được kỳ vọng là Bùi Thị Thu Thảo. Với tổ chạy 400m và 400m tiếp sức, quá trình tập huấn có những điều chưa được như mong muốn. Chúng tôi cho phép huấn luyện viên chủ động chọn địa điểm tập huấn nhưng cũng cần có sự bàn bạc kỹ lưỡng giữa các huấn luyện viên với Liên đoàn Điền kinh Việt Nam và bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục thể thao. Hiện tại, Quách Công Lịch, Quách Thị Lan... có nhiều tiến bộ trong tập luyện nhưng chỉ số thành tích còn hạn chế so với mục tiêu giành huy chương.
- Cũng có ý kiến cho rằng môn đấu kiếm và đua thuyền đang có bước lùi về chỉ số thành tích?
- Thông tin đó không chính xác. Với đua thuyền, các vận động viên đang có phong độ rất tốt ở cả nội dung canoeing và rowing, ngày càng rút ngắn khoảng cách về trình độ với các vận động viên hàng đầu châu lục. Với đấu kiếm, dù thực tế chúng ta đang gặp khó khăn nhưng với nỗ lực của các kiếm thủ, đấu kiếm vẫn có tiềm năng phát triển tốt.
- Thời gian ASIAD khai cuộc đã rất gần. Ông có thể cho biết lộ trình sắp tới của thể thao Việt Nam?
- Danh sách đoàn thể thao Việt Nam đã được xây dựng và chốt sơ bộ theo tiêu chí ưu tiên các vận động viên thi đấu với mục tiêu thành tích cụ thể chứ không chỉ góp mặt để cọ xát. Đến thời điểm này, có thể khẳng định công tác chuẩn bị cho ASIAD rất tốt, điều đáng mừng là không vận động viên trọng điểm nào bị chấn thương. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên chúng ta cử chuyên gia y tế đi cùng vận động viên ngay trong quá trình tập huấn. Ví dụ, riêng đô cử Thạch Kim Tuấn có tới 2 bác sĩ hỗ trợ. Điều này là rất quan trọng bởi các vận động viên tập luyện với cường độ cao, rất cần có bác sĩ ở bên cạnh.
- Còn việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho vận động viên thì sao, thưa ông?
- Lãnh đạo ngành đã lưu ý các trung tâm thể thao quốc gia - nơi quản lý vận động viên các đội tuyển tham dự ASIAD - phải cải thiện chế độ dinh dưỡng, có cán bộ phụ trách dinh dưỡng để hỗ trợ vận động viên của từng môn. Bên cạnh đó, ngành Thể thao cũng chủ động vận động các nguồn tài trợ để có chế độ dinh dưỡng đặc biệt dành cho các vận động viên trọng điểm.
- Trân trọng cảm ơn ông!