Vì lợi ích của vận động viên
Thể thao - Ngày đăng : 07:44, 01/07/2018
Đây là việc làm không chỉ thể hiện sự quan tâm trang bị kiến thức mà còn khẳng định tầm nhìn của nhà quản lý, giúp vận động viên, huấn luyện viên yên tâm cống hiến cho sự nghiệp thể thao.
46 HLV, VĐV nhận Bằng cử nhân Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh ngay tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. |
Có rất nhiều gương mặt quen thuộc của thể thao Việt Nam (TTVN) góp mặt trong số 46 huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) được nhận bằng tốt nghiệp cử nhân đợt này. Ví như Nguyễn Trọng Cường, võ sĩ taekwondo nổi tiếng, từng vô địch Châu Á và 4 lần vô địch SEA Games. Dồn hết tâm huyết và những năm tháng tuổi trẻ cho việc tập huấn, thi đấu, phải đến khi có khóa đào tạo được tổ chức ngay tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Cường mới có điều kiện kết hợp việc học tập. Nhận bằng ở tuổi 36, tuy muộn nhưng Cường có niềm vui riêng của mình là có cả vợ và con trai đến dự buổi lễ trao bằng.
Trường hợp của Phạm Trần Nguyên, nhà vô địch karate Châu Á năm 2005 cũng rất hy hữu. Nguyên thậm chí phải chờ đến... 20 năm mới có được tấm bằng cử nhân cần thiết này. Vị HLV của đội tuyển karate Quân đội chia sẻ: "Nhờ có mô hình đào tạo ngay tại "đại bản doanh", tôi mới có điều kiện hoàn thành trọn vẹn khóa đào tạo. Với tấm bằng cử nhân, tôi có thêm cơ hội học thêm các lớp chuyên ngành nâng cao".
So với Cường, Nguyên, VĐV đội tuyển bóng chuyền quốc gia Hoàng Văn Phương (Huy chương đồng SEA Games 2013, vô địch quốc gia năm 2014 và năm 2016) có phần may mắn hơn khi có được tấm bằng cử nhân ngay khi còn là VĐV. Phương cho biết: "Việc được học ngay tại Trung tâm giúp VĐV như chúng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều. Với tấm bằng cử nhân và những kiến thức lý luận, phương pháp huấn luyện... do các thầy giáo truyền dạy, giờ đây tôi có thể yên tâm dồn hết tâm trí thực hiện nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia tại ASIAD 18 - 2018 sắp tới".
Không dễ để có thể tổ chức trọn vẹn một khóa học 5 năm (2013-2018) cho các HLV, VĐV ngay tại "đại bản doanh" tập huấn của TTVN, nếu đội ngũ giáo viên không vượt qua khó khăn về chuyện đi lại, bố trí giờ học theo sát kế hoạch huấn luyện mang tính đặc thù. Cô giáo Lê Thị Thanh Thủy, phụ trách Bộ môn Bóng ném Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh chia sẻ: "Từ chỗ tôi ở đến Trung tâm hơn 40km. Nhưng đã là nhiệm vụ, tôi nghĩ thầy cô giáo nào cũng phải hoàn thành. Bản thân tôi từng là VĐV bóng ném của Hà Nội, tôi thực sự hiểu được giá trị của những khóa đào tạo tại chỗ như thế này đối với các VĐV".
Có nhiều điểm đặc biệt khi đội ngũ giáo viên thiết kế chương trình học phục vụ mô hình đào tạo này. Số tiết học, nội dung chương trình vẫn theo chuẩn chung, nhưng các giáo viên phải xây dựng giờ học theo kế hoạch huấn luyện, tránh các thời điểm VĐV tập huấn, thi đấu, điều chỉnh linh hoạt theo từng thay đổi của chu kỳ huấn luyện. Họ phải gác lại "cái tôi" để phục vụ VĐV, đúng kiểu... "thầy theo trò". Nhà giáo ưu tú, GS.TS Nguyễn Đại Dương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cho biết: "Mô hình này rất cần thiết để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp các VĐV vừa thực hiện nhiệm vụ quốc gia vừa hoàn thành chương trình đại học. Khó mấy chúng tôi cũng vượt qua, bởi VĐV đã nỗ lực và hy sinh rất nhiều mới có thể vinh danh thể thao Việt Nam trên trường quốc tế".
Ở một khía cạnh khác, không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ VĐV, mô hình này có tác động tích cực đến chính bản thân các thầy, cô giáo - như chia sẻ của thầy Phạm Thế Vượng, Trưởng bộ môn Bóng chuyền (Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh): "Dạy học tại "đại bản doanh" huấn luyện, các VĐV có điều kiện ứng dụng lý luận ngay vào thực tiễn. Với giáo viên, tiếp xúc với những VĐV hàng đầu, ăn, ở, tập luyện chuyên nghiệp từ nhỏ, thi đấu quốc tế thường xuyên, chúng tôi được cập nhật nhanh nhất về xu hướng chiến thuật hiện đại để chỉnh sửa, hoàn thiện giáo án tốt hơn".