Cổ Loa - Vùng đất cổ kính và trù phú
Giới trẻ - Ngày đăng : 08:01, 01/07/2018
Trẻ em vui chơi trong khuôn viên khu Di tích Cổ Loa. |
Vùng quê giàu truyền thống lịch sử
“Thành Cổ Loa là tòa thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam, được xây dựng vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Thành gắn liền với những truyền thuyết và lịch sử, như: Vua An Dương Vương định đô xây thành; Tướng quân Cao Lỗ chế ra nỏ Liên Châu có tác dụng bắn một lần được nhiều mũi tên, nhân dân gọi là “Nỏ thần”; Chuyện tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thủy… Từ bao đời nay, dấu vết của ngôi thành cổ này cùng với những nhân vật lịch sử đã được huyền thoại hóa và đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam", chị Chu Minh Nương, cán bộ thuyết minh Ban Quản lý khu Di tích Cổ Loa giới thiệu với chúng tôi.
Ngày nay, khu Di tích Cổ Loa vẫn lưu giữ được nhiều công trình chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, như: Đền Thượng - đền thờ An Dương Vương, Đình Ngự triều di quy (đình Cổ Loa), am thờ Công chúa Mỵ Châu, giếng Ngọc (giếng Mỵ Châu - Trọng Thủy), điếm xóm Chùa (thờ Tướng quân Cao Lỗ), chùa Bảo Sơn (chùa Cổ Loa), các đoạn thành đất còn lại với độ cao không còn nguyên vẹn (trung bình khoảng 4m). Năm 1962, khu Di tích Cổ Loa đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và năm 2012 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Không chỉ có hệ thống các di tích lịch sử dày đặc, Cổ Loa còn giữ được phong cảnh làng quê đậm nét đặc trưng vùng Đồng bằng Bắc Bộ với nhiều công trình kiến trúc cổ, những ngôi nhà, con đường bình dị, hệ thống ao hồ... Đặc biệt, Cổ Loa có rất nhiều những sản vật quý và ngon như bún Mạch Tràng. Truyền thuyết kể rằng: “Trong lúc chuẩn bị yến tiệc cho lễ dạm hỏi Công chúa Mỵ Châu, người đầu bếp đã vô tình làm đổ bột gạo vào chiếc rổ đặt trong vạc nước sôi.
Quá hốt hoảng, vội vàng nhấc chiếc rổ lên thì đã thấy bột gạo kết thành những sợi màu trắng. Vì tiếc của nên người đầu bếp đã cho sợi bột vào xào với rau cần có sẵn để làm món ăn nhẹ. Không ngờ món ăn này được An Dương Vương hết lời khen ngợi, từ đó, trở thành món ăn trong thực đơn đãi khách của nhà Vua”. Bún Mạch Tràng trở thành món ăn đặc sản của vùng Cổ Loa, được dâng cúng hằng năm vào dịp Lễ hội đền Cổ Loa ngày mùng 6 tháng Giêng và ngày 13 tháng Tám (âm lịch) - ngày Ăn Sêu (lễ ăn hỏi Công chúa Mỵ Châu). Bún Mạch Tràng có màu trắng ngà rất đặc trưng, sợi rất dài, có thể ăn ngay hoặc chế biến trong nhiều món ăn như bún mắm, bún chả, bún đậu… Nhưng đặc biệt nhất vẫn là món bún xào rau cần.
Ngoài ra, nhắc tới Cổ Loa là nhắc tới “Bỏng Chủ” - một loại bánh được làm từ thóc nếp rang, trộn với mật, gừng, nén thành từng phong, thường được người dân và du khách mua về ăn và làm quà. Nằm ở khu vực đồng bằng nhưng Cổ Loa có rất nhiều cây trám đen cổ thụ. Quả trám đen được người dân chế biến theo cách của địa phương: Khi om chín, lấy quả chấm muối vừng ăn vừa béo, bùi hoặc kho với thịt, cá. Một nét đặc trưng nữa ở Cổ Loa là mít được trồng rất nhiều trong nhà dân. Trong khu Di tích Cổ Loa cũng có rất nhiều cây mít cổ thụ sai quả, ăn rất ngon. Có lẽ vì vậy mà Cổ Loa có một xóm mang tên xóm Mít…
Hướng tới vùng quê trù phú, giàu bản sắc
Con đường về Cổ Loa hôm nay đã có nhiều đổi khác, những trục giao thông thênh thang, những cánh đồng rau màu xanh mướt... Ấn tượng nhất ở Cổ Loa là sự thay đổi từng ngày gắn với không gian xanh, không gian văn hóa cổ kính của vùng đất đặc biệt này.
Về Cổ Loa giữa ngày hè nóng bức, điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất là không gian thanh bình, mát dịu nhờ cây xanh. Cảnh đẹp cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo nơi đây đã thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu… Chị Đặng Thị Phương ở xóm Chùa chia sẻ, chị thường xuyên dẫn các con nhỏ ra khu di tích chơi bởi nơi đây có nhiều cây, không khí trong lành. Em Nguyễn Ngọc Ánh - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Cổ Loa cho biết, ngày nào em cũng ra khu Di tích Cổ Loa chơi vì vừa mát, vừa được tìm hiểu về truyền thuyết, câu chuyện lịch sử khiến em thấy tự hào, thêm yêu quê hương, đất nước…
Chị Chu Minh Nương cho hay, những năm gần đây, du khách đến tham quan Cổ Loa ngày càng đông, có ngày, khu đón tới 500 - 700 khách. Trong đó, có nhiều đoàn học sinh, đoàn khách nước ngoài. Du khách có thể tham quan tự do hoặc đăng ký với Ban Quản lý khu di tích để được hướng dẫn viên cung cấp thông tin đầy đủ và hệ thống. Khai thác giá trị lịch sử, văn hóa từ di tích, Ban Quản lý khu Di tích Cổ Loa đang xây dựng chương trình giáo dục di sản hướng tới liên kết với các trường học để đưa học sinh tới Cổ Loa tham quan, tìm hiểu…
Có thể nói, nét đẹp lịch sử, văn hóa, ẩm thực… đã, đang, tiếp tục là nền tảng và động lực để Cổ Loa xây dựng nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương, năm 2014, Cổ Loa đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; hiện đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, dự kiến hoàn thành năm 2019. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,9% (không tính các hộ nghèo được hưởng bảo trợ xã hội). Cổ Loa đang nỗ lực khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch địa phương; đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý khu Di tích Cổ Loa trong công tác quản lý Thành cổ và các hạng mục của di tích; tổ chức các hoạt động lễ hội hằng năm đạt hiệu quả…
Riêng với các đặc sản, xã Cổ Loa đang phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Đông Anh xây dựng thương hiệu Bún Mạch Tràng. Các loại cây đặc sản như: Mít, trám đen, chè xanh… không còn nhiều do diện tích đất ngày càng thu hẹp, bởi vậy, huyện Đông Anh đang hỗ trợ địa phương quy hoạch để khôi phục và bảo tồn nguồn gen quý này. “Chúng tôi tập trung bảo tồn, phát triển và khai thác lợi thế địa phương gắn với hoạt động du lịch. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương mà quan trọng hơn là giữ gìn cảnh quan; phát triển nghề thủ công truyền thống… Tất cả hướng tới mục tiêu xây dựng Cổ Loa vừa cổ kính, giàu bản sắc, vừa văn minh và trù phú”, bà Nguyễn Thị Lương khẳng định.