Nhiều bệnh nhân hôn mê sâu vì tăng huyết áp và bị say nắng

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:51, 04/07/2018

Những ngày qua, nắng nóng trên diện rộng tại nhiều tỉnh phía Bắc. Hằng ngày nắng nóng gay gắt nhất là từ 10 giờ đến 15 giờ. Nhiệt độ ngoài trời tại nhiều nơi đo được từ 40-50 độ C.

Nhiều bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong ngày 4-7. (Ảnh: T.G/Vietnam+)


Nhiệt độ tăng cao và kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của nhiều của người dân các tỉnh. Số bệnh nhân cấp cứu các bệnh do ảnh hưởng của nắng nóng tại các cơ sở y tế cũng tăng.

Tai biến sau khi ra khỏi phòng điều hòa

Bệnh nhân Nguyễn Thị Xuyến, 54 tuổi (ở Tân Phú, Quốc Oai) vừa được đưa vào Cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu.

Chị Dương Thị Quý Xuân - con của bà Xuyến cho hay: “Mẹ tôi sáng nay dậy vẫn bình thường và tỉnh táo. Khi sáng tôi dậy trước vẫn còn nói chuyện với bà. Sau khi tôi đi làm, khoảng 5 giờ 30 sáng bà đi ra ngoài đánh răng rửa mặt, sau đó đi vào thì ngã ngay trước sân nhà”.

Chị Xuân cho hay, bà Xuyến có tiền sử bị bệnh cao huyết áp. Trước kia bà vẫn hay ra ngoài ruộng làm rau. Mấy ngày gần đây, nắng nóng gay gắt bà cảm thấy mệt, chán ăn nên ở nhà.

“Vì nắng nóng nên bà ở phòng điều hòa cho mát, có thể khi ra ngoài chênh lệch nhiệt độ nên bà mới bị vậy”, chị Xuân kể.

Sau đó, người nhà đưa ngay bà tới bệnh viện Bạch Mai, nhưng bà vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu. Các bác sỹ đang chẩn đoán bà bị huyết áp tăng cao gây tai biến mạch máu não, chảy máu não.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Xuyến tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: T.G/Vietnam+)


Cũng khoảng 10 giờ sáng 4-7, người dân tại phường Định Công (Hà Nội) phát hiện người đàn ông trung niên nằm ngất bên vệ đường đã báo công an đưa vào Bệnh viện Bạch Mai Cấp cứu.

Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời điểm nhập viện, thân nhiệt bệnh nhân lên đến 41 độ C, các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng. Sau hơn một tiếng tích cực hạ nhiệt, thân nhiệt bệnh nhân đã xuống 38,5 độ C nhưng vẫn đang hôn mê.

Bệnh nhân được công an phường Định Công đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, không rõ thân nhân. Theo bác sỹ Tuấn, với tình trạng như vậy bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, tim… và các bác sỹ vẫn đang cần đánh giá.

Các kết quả chẩn đoán cho bệnh nhân đang chờ, nhưng với biểu hiện ban đầu, rất có thể bệnh nhân bị sốc nhiệt do nóng nắng.

Bệnh say nắng không chừa ai

Bác sỹ Tuấn cho hay, những ngày nắng nóng vừa qua, có rất nhiều ca bệnh nhập viện liên quan đến thời tiết nắng nóng như say nắng, tai biến mạch máu não, bên cạnh đó là các bệnh mãn tính khác. Đặc biệt, có nhiều người bệnh đang từ phòng điều hòa có nhiệt độ mát khi ra ngoài vùng nhiệt độ nóng cần ra từ từ và chậm để cơ thể thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ, tránh tình trạng sốc nhiệt do chênh lệch nhiệt độ lớn.

Bác sỹ Tuấn giải thích, cơ thể có cơ chế giữ ổn định nhiệt độ dao động trong một phạm vi hẹp khoảng 37 độ C. Trong những ngày nắng nóng này, cơ thể vừa sinh ra nhiệt thông qua các hoạt động vừa hấp thụ nhiệt từ bên ngoài vào. Vì vậy, nguy cơ tăng thân nhiệt lên rất cao.

“Bình thường cơ thể chúng ta có hai cơ chế để điều tiết được thân nhiệt như giãn mạch ở dưới da hoặc toát mồ hôi để giảm thân nhiệt. Tuy nhiên với thời tiết nắng nóng, hai cơ chế đó đều ít hiệu quả. Chính vì vậy, nguy cơ tăng thân nhiệt cao”, bác sỹ Tuấn phân tích.

Bệnh nhân bị say nắng trong tình trạng hôn mê tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: T.G/Vietnam+)


Trong mùa nắng nóng, tình trạng bệnh nhân nhập viện không có thân nhân khá nhiều. Nguyên nhân là do bệnh nhân có thể bị say nắng, sốc nhiệt, ngã ra được người dân, người đi đường đưa vào bệnh viện ngay. Do đó, rất nhiều bệnh nhân không có nhân thân đi cùng.

Vì thế, bác sỹ Tuấn cho rằng việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị, di chứng mà bệnh nhân phải chịu.

“Lúc này, đừng cố cho người bệnh uống thuốc hạ sốt vì thuốc hạ sốt không có giá trị trong trường hợp này. Việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào cùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào. Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C rồi chuyển bệnh nhân đến viện nhanh nhất”, bác sỹ Tuấn cho hay.

Trong quá trình cấp cứu, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân.

Biểu hiện đầu tiên của những người say nắng đó là tăng thân nhiệt. Đầu tiên họ cảm thấy mệt lả do nhiệt, người mệt. Khi thân nhiệt tăng cao trên 39 độ C, thậm chí 40 độ C khi đó trong tình trạng say nắng, say nóng, nhịp tim của người bệnh nhanh, thở nhanh, giống như người bị sốt. Khi đó bệnh nhân cảm thấy mệt, hoa mắt chóng mặt, chân tay co rút cơ, đau bụng thậm chí không tự chủ được.

Thậm chí, có bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ, hôn mê, co giật. Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao lên tới 40-41 độ C sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận.

Ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa… mọi người cần ưu tiên đầu tiên là sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.

Vì vậy, mỗi người hãy cẩn trọng với say nắng, nhiều người chủ quan say nắng “chừa mình” nhưng bệnh đến rất nhanh. Bệnh nhân nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Nhiều bệnh nhân nhập viện do nắng nóng. (Nguồn: Vnews) 

Theo Thùy Giang/Việt Nam plus