Nỗ lực xóa nhà ở xuống cấp cho hộ nghèo
Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 04/07/2018
Thanh niên huyện Chương Mỹ (Hà Nội) sửa nhà cho hộ nghèo tại địa phương. |
Chung tay giúp đỡ
TP Hà Nội hiện có 4.341 hộ nghèo có nhà ở bị xuống cấp, cần được xây mới, sửa chữa - tăng 295 nhà so với dự kiến. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, linh hoạt của các cấp, ngành, sự chung tay đóng góp của cộng đồng, đến nay đa số hộ nghèo đã nhận được kinh phí hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, nguồn ngân sách hơn 108 tỷ đồng do UBND thành phố ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ cho 15 huyện, thị xã có hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở đúng kế hoạch, tiến độ. Theo đó, 100% số hộ thuộc diện được hỗ trợ có thể vay vốn không phải trả lãi với số tiền 25 triệu đồng/hộ trong thời hạn 15 năm để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, UBND thành phố đã huy động xã hội hóa được hơn 26 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo với mức 10 triệu đồng/nhà xây mới, 5 triệu đồng/nhà sửa chữa. Những địa phương có nhiều hộ nghèo cần sửa chữa nhà ở như huyện Ba Vì, Mỹ Đức… còn nhận được sự hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội và một số tổ chức khác với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí do các địa phương vận động và hỗ trợ với mức 10 triệu đồng/nhà xây mới, 5 triệu đồng/nhà sửa chữa cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Huyện Đông Anh huy động xã hội hóa đạt xấp xỉ 259% kế hoạch, hỗ trợ cho mỗi hộ xây nhà mới 40 triệu đồng, 15 triệu đồng cho mỗi hộ sửa chữa nhà; huyện Đan Phượng huy động xã hội hóa đạt 142,7% kế hoạch. Một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh hỗ trợ vật liệu, ngày công hoặc tiền mặt trị giá từ 1 đến 3 triệu đồng cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Như vậy, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ cao hơn mức 45 triệu đồng/nhà xây mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa, trong đó có 25 triệu đồng vay ưu đãi không lãi suất theo tinh thần Kế hoạch 29/KH-UBND. “Điều đó chứng tỏ chính sách nhân văn của TP Hà Nội có sức lan tỏa sâu rộng, được đông đảo người dân hưởng ứng nhiệt tình”, ông Khuất Văn Thành khẳng định.
Đến thời điểm này, toàn thành phố có 3.315/4.341 hộ nghèo đã xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt 76,4% kế hoạch. Là một trong nhiều gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà mới, anh Bùi Văn Tuấn, thôn Đồng Bồ, xã Đông Xuân (Quốc Oai) chia sẻ, do hoàn cảnh khó khăn, gia đình anh phải ở nhờ nhà người quen trong nhiều năm. Nhờ khoản hỗ trợ hàng chục triệu đồng từ các cơ quan chức năng, gia đình anh đã có nếp nhà vững chắc. Nhờ vậy, vợ chồng yên tâm làm ăn, con cái có điều kiện học hành đầy đủ. Tương tự, ngôi nhà của gia đình ông Đỗ Mạnh, xóm 7, xã Phú Cường (Ba Vì) cũng vừa hoàn thành, bảo đảm cho các thành viên trong gia đình toàn người già, người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn...
Không để người nghèo ở lại phía sau
Kết quả đạt được rất ấn tượng nhưng việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo vẫn gặp không ít khó khăn. Đến ngày 30-6, Hà Nội còn hơn 1.000 hộ thuộc diện được hỗ trợ chưa khởi công xây dựng, sửa chữa nhà. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Anh Hoàng Văn Hoàn cho hay, huyện Đông Anh mới có 133/217 hộ khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở, đạt 64,5% kế hoạch. Đáng chú ý, huyện Đông Anh có 15 hộ đề nghị không xây dựng, sửa chữa nhà ở trong năm 2018 do hoàn cảnh quá khó khăn.
Niềm vui của gia đình anh Bùi Văn Tuấn, xã Đông Xuân (Quốc Oai) trong ngôi nhà mới. |
Tại huyện Chương Mỹ, số hộ đã khởi công xây, sửa nhà mới đạt hơn 66% kế hoạch. Hiện, 51 hộ trong số hơn 200 hộ chưa triển khai đã xin rút đơn do không đủ điều kiện cần thiết để xây, sửa nhà. Nguồn kinh phí xã hội hóa do huyện Chương Mỹ vận động còn thiếu khoảng 60%. “Hiện nay, toàn huyện Chương Mỹ mới vận động xã hội hóa được hơn 1,2 tỷ đồng giúp hộ nghèo nâng cấp nhà ở. Để 100% hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành và cộng đồng quan tâm nhiều hơn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến bày tỏ.
Chia sẻ kinh nghiệm khắc phục những khó khăn để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, huyện liên tục tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Kế hoạch 29/KH-UBND đến các tầng lớp nhân dân, từ đó kêu gọi sự đóng góp bằng nhiều hình thức. Người có tiền góp tiền, người có sức góp sức, người có nguyên vật liệu thì ủng hộ. Những hộ không đủ năng lực kinh tế, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành dành sự quan tâm đặc biệt.
Khẳng định việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo là giải pháp giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình triển khai Kế hoạch 29/KH-UBND, bảo đảm 100% hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhận được sự hỗ trợ, không để hộ nào phải ở lại phía sau. Với những hộ gặp vướng mắc về đất đai, đồng chí Ngô Văn Quý giao ngành Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát tình hình, kịp thời đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Với những hộ không đủ năng lực kinh tế, các ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động họ mạnh dạn vay vốn, đồng thời huy động thêm nguồn lực để giúp đỡ.
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Kế hoạch 29/KH-UBND là nhờ sự nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều phía. Đây là điều cần tiếp tục phát huy để có thể hoàn thành mục tiêu xóa nhà ở xuống cấp cho hộ nghèo trước ngày 17-10-2018.