Tăng cường kiểm tra tình trạng chỉ định những kỹ thuật, xét nghiệm không cần thiết
Xã hội - Ngày đăng : 13:47, 05/07/2018
Theo đó, Thông tư 15 của Bộ Y tế sẽ điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật, trong đó điều chỉnh giảm 70 dịch vụ từ 6% đến 24%. Cụ thể, 6 giá khám bệnh giảm 17% (của 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã); 34 giá ngày giường bệnh giảm 6% (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường); 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm giảm bình quân 24%.
Ngoài ra, điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm có 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực, giường hồi sức cấp cứu được điều chỉnh tăng 5% và 2 dịch vụ xét nghiệm. Mặt khác, bổ sung 9 dịch vụ kỹ thuật mới, người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán.
Cũng theo Thông tư 15, người bệnh vào khoa cấp cứu, có thời gian cấp cứu, điều trị dưới 4 giờ không phải trả tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu.
Trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp chỉ phải trả bằng 50% tiền giường. Đặc biệt, bệnh viện bố trí nằm ghép 2 người/giường chỉ được bảo hiểm xã hội thanh toán 1/2 mức giá giường bệnh, nằm ghép 3 người thanh toán 1/3 mức giá.
Để bảo đảm chất lượng khám bệnh, theo Thông tư 15, đối với các bàn khám thực hiện khám trên 65 lượt khám/ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. Trong thời gian tối đa 1 quý, cơ sở y tế vẫn còn có bàn khám trên 65 lượt/ngày thì cơ quan bảo hiểm y tế không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, thời gian qua, phần lớn các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm có sự biến động lớn trong sử dụng chỉ định dịch vụ, thậm chí, nhiều cơ sở y tế đã sử dụng không hợp lý.
Chủ trương của Bộ Y tế là tăng thêm giường bệnh khi quá tải nhưng trong quá trình thực hiện nhiều nơi đã tăng quá mức, ảnh hưởng đến Quỹ Bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc điều chỉnh giá lần này sẽ giảm tình trạng chỉ định những kỹ thuật, xét nghiệm không cần thiết, góp phần cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế đến năm 2020.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-tài chính (Bộ Y tế) lưu ý, để thực hiện tốt Thông tư 15, Bộ Y tế sẽ có kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dấu hiệu “lạm phát” chỉ định. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ định kỳ hoặc đột xuất cung cấp cho Bộ Y tế các địa phương, các cơ sở y tế có các dấu hiệu chỉ định điều trị nội trú, chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết để kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm nếu có.
Các cơ sở y tế có số lượt khám bệnh tăng phải thực hiện ngay các giải pháp như: Tăng số bàn khám, điều tiết tăng nhân lực cho phòng khám vào các giờ cao điểm để bảo đảm bác sĩ có thời gian khám, tư vấn cho người bệnh.
Mặt khác, tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh điều trị nội trú theo đúng quy định…
Thông tư 15 thay thế cho Thông tư 37 đang được áp dụng và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-7 tới.