Càng nắng nóng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:26, 05/07/2018
Nắng nóng, vi khuẩn tăng gấp 3 lần
Chị Nguyễn Thanh Hà, chủ đại lý kinh doanh sim thẻ điện thoại (đường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) kể: "Nhà có giỗ vào đúng ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm. Thức ăn còn lại của bữa cỗ vào buổi trưa đã được cất vào tủ lạnh cẩn thận. Buổi tối, trước khi ăn, tôi mang thức ăn từ tủ lạnh ra đun lại. Thế nhưng, sau khi ăn xong, 3 người trong gia đình bị ngộ độc, tiêu chảy...".
Thực khách cần cảnh giác khi lựa chọn các quán ăn vỉa hè để tránh ngộ độc thực phẩm. |
Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, thời tiết nắng nóng như những ngày vừa qua khiến sức khỏe con người có phần giảm sút, do đó khi tiếp xúc với thực phẩm nhiễm vi khuẩn sẽ dễ dàng bị ngộ độc. Mặt khác, nhiệt độ từ 37 độ C đến 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân - gấp 3 lần so với thời tiết bình thường.
Cũng theo bà Hoàng Thị Minh Thu, có 7 loại vi khuẩn quan trọng có trong thực phẩm kém chất lượng. Những loại vi khuẩn này khi ở trong môi trường nắng nóng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng. Chẳng hạn như vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả. Đối với các loại thực phẩm đã nhiễm khuẩn ở mức độ cao thì dù thức ăn được nấu chín, đun sôi thì độc tố vẫn còn, người sử dụng vẫn có nguy cơ bị ngộ độc.
Bên cạnh đó, nguồn thực phẩm hiện nay cũng chưa bảo đảm an toàn do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi… Chưa kể, thực phẩm được đưa đến các chợ vào buổi sáng, khi bán không hết thì thương lái sẽ ướp hóa chất vào lượng thực phẩm còn tồn để bán ở chợ chiều nhằm hạn chế tối đa quá trình phân hủy thực phẩm, điều đó khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao.
Cần loại bỏ thói quen gây hại
Khi nấu nướng xong, người Việt có thói quen để thức ăn ở nhiệt độ thường thay vì nghĩ đến giải pháp bảo quản. Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong những ngày nắng nóng gay gắt, bảo quản tốt thực phẩm là điều cần được đặc biệt chú ý để tránh bị ngộ độc thực phẩm. Sau khi được chế biến khoảng 30 phút, thức ăn sẽ trở về nhiệt độ thường trong phòng. Nhiều người cho rằng cứ để thức ăn ở nhiệt độ này vài giờ cũng không sao.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, đó là cách bảo quản thực phẩm không đúng vì thức ăn để ở nhiệt độ thường vẫn bị nhiễm khuẩn. Các món ăn được nấu xong thì nên ăn ngay là tốt nhất và không nên để thức ăn quá 2 giờ ở nhiệt độ thường. “Thực phẩm chín để sau 2 giờ là phải đun lại trên 70 độ C rồi mới được ăn. Thực phẩm chín để trên 4 giờ, nếu không chế biến lại thì nguy cơ nhiễm độc là rất cao. Ngoài ra, thức ăn đã nấu chín vẫn cần được bảo quản, che đậy kỹ để tránh các loại côn trùng gây ô nhiễm”, ông Trần Ngọc Tụ lưu ý.
Bà Hoàng Thị Minh Thu cũng đưa ra khuyến cáo, những người có ý định nấu thức ăn từ tối hôm trước để sẵn trong tủ lạnh, sáng hôm sau hâm lại để mang đến cơ quan ăn vào buổi trưa cũng nên lưu ý rằng thực phẩm sẽ không an toàn nếu để nhiều giờ ở nhiệt độ thường. Một số người muốn tiết kiệm điện, cài đặt mức nhiệt độ cao cho tủ lạnh mà không biết rằng thức ăn dễ bị ôi thiu, đặc biệt là khi trong tủ có quá nhiều thức ăn. Khi sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm thì ngăn mát phải đủ lạnh mới bảo quản được tốt. Nếu thức ăn không bảo quản kỹ thì người dùng dễ bị nhiễm trùng tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Theo ông Trần Ngọc Tụ, người dân tuyệt đối không mua thực phẩm tươi sống tại các chợ chiều. Tốt nhất là nên chế biến ngay các loại thực phẩm tươi sống. Nếu không sử dụng ngay, thực phẩm cần được đưa vào tủ lạnh (ngăn đá) hoặc tủ cấp đông. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, người tiêu dùng nên hạn chế ăn các loại rau lá hoặc trái cây không được gọt vỏ (như rau muống nước, rau cải, xà lách, nho, táo, ổi, mận...) bởi dư lượng thuốc trừ sâu còn sót lại trên rau quả ở mùa nắng thường cao hơn ở mùa mưa. Thay vào đó, có thể chọn những loại rau, củ gọt vỏ (như bí, bầu, mướp, su su, dưa hấu, dứa...) thì sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, khi lựa chọn các quán hàng vỉa hè, cần thận trọng với bánh mì kẹp thịt, xôi, bún, chả lụa, bánh cuốn... là những món ăn dễ nhiễm vi khuẩn trong điều kiện thời tiết nắng nóng.