Tự chủ trong nghệ thuật: Không còn thời gian để… “tâm tư”!

Văn hóa - Ngày đăng : 10:29, 05/07/2018

(HNMO) – Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 đợt 1 có sự tham gia của 12 đơn vị, diễn ra trong bối cảnh các đơn vị có nhiều tâm tư, lo lắng riêng khi con đường tự chủ đang là “bài toán” thách thức sự sáng tạo, đổi mới của các địa phương. Nhân dịp này, HNMO có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn(NTBD), Trưởng ban tổ chức liên hoan.

Tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018


* Liên hoan năm nay đặt ra cho các đoàn tham dự mục tiêu về sự đổi mới, sáng tạo. Ông đánh giá thế nào về sự đổi mới, sáng tạo của các đoàn?

- Có thể nói trong nghệ thuật thì “sáng tạo” là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một chương trình, tiết mục biểu diễn hấp dẫn, đặc sắc, đem đến cho khán giả những cảm xúc mới, lạ. Cùng một tiết mục nghệ thuật tái hiện những ca khúc, điệu múa truyền thống của một dân tộc, vùng miền nào đó hay tái hiện một câu chuyện lịch sử có thật..., mỗi ê kíp sáng tạo sẽ có những cách thể hiện riêng, qua sự cách điệu, làm mới về điệu múa, âm nhạc, trang phục, bối cảnh sân khấu.

Qua theo dõi một số chương trình biểu diễn của các đoàn như “Sắc chàm miền non nước” của chủ nhà Đoàn nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, “Khúc tự tình Fansipan” của Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai, “Mỵ” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc hay “Dòng sông đời người” của Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La... đã biểu diễn trong Liên hoan. Tôi đánh giá các đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư, sáng tạo từ khâu lựa chọn kịch bản, tiết mục đến dàn dựng, tập luyện, biểu diễn. Tôi nhận thấy rõ sự tiến bộ của các đoàn khi biểu diễn trên sân khấu dưới sự cổ vũ của hàng ngàn khán giả tại Trung tâm hội nghị tỉnh Cao Bằng.

* Ông có thể cho biết những tồn tại, hạn chế mà các đơn vị còn mắc phải?

- Các đơn vị nghệ thuật đã rất cố gắng để mang đến Liên hoan những chương trình, tiết mục biểu diễn tốt nhất của mình, nhưng bên cạnh những mặt tích cực đạt được, thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế có thể đến từ những yếu tố khách quan như nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, chưa đủ để đầu tư “tới”, nguồn nhân lực có chuyên môn sâu cho sáng tạo còn hạn chế... Một yếu tố mang tính chủ quan là nhiều đơn vị lựa chọn chương trình, tiết mục biểu diễn khá “an toàn” nên có chương trình bị “nặng”, thiếu màu sắc tươi trẻ, mới lạ khiến cho nghệ sĩ, ê kíp sáng tạo bị hạn chế, thiếu “đất” để sáng tạo.

Tất cả những điểm tích cực hay hạn chế sẽ được Ban tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để giúp cho các đơn vị nghệ thuật, các địa phương nhìn nhận phát huy và tìm cách khắc phục, đây cũng là định hướng trong công tác sáng tạo và biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật trong thời gian tới.

* Sau liên hoan, sẽ có những chương trình tiếp tục được khai thác để phục vụ công chúng, nhưng cũng sẽ có chương trình phải “đắp chiếu” do không đủ nguồn lực để duy trì buổi diễn, Cục NTBD có hướng dẫn, hỗ trợ như thế nào đối với những đơn vị này?

- Đúng là sau Liên hoan, có những chương trình sẽ được tiếp tục biểu diễn phục vụ rộng rãi công chúng ở địa phương cũng như trên toàn quốc, hay được lựa chọn mang ra nước ngoài biểu diễn giao lưu, giới thiệu với quốc tế và sẽ có những chương trình ít được biểu diễn hơn. Tuy nhiên, nếu nói là “đặp chiếu” thì chưa đúng, các chương trình  sẽ được tiếp tục biểu diễn phục vụ công chúng tại tỉnh, địa phương mình.


Ngay trong thời gian diễn ra Liên hoan này, các đoàn đã đăng ký với Ban tổ chức để đi biểu diễn phục vụ nhân dân một số huyện tại Cao Bằng, như Đoàn ca múa Hải Phòng mang chương trình đi biểu diễn tại huyện Thạch An, Trung tâm văn hoá nghệ thuật tỉnh Yên Bái đi biểu diễn ở huyện Hà Quảng hay Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc tỉnh Vĩnh Phúc đi biểu diễn ở Trùng Khánh... Đây là hoạt động có ý nghĩa của Ban tổ chức cũng như các đoàn nhằm mang sắc màu nghệ thuật đến phục vụ nhân dân các huyện vùng sâu, vùng xa tỉnh Cao Bằng, nơi ít có điều kiện thưởng thức các chương trình biểu diễn của địa phương khác.

Ở góc độ Ban tổ chức, sau Liên hoan chúng tôi sẽ hỗ trợ thông qua việc giới thiệu các chương trình, vở diễn xuất sắc của các đơn vị tại các sự kiện giao lưu văn hoá trong nước, quốc tế, hội nghị, hội thảo về nghệ thuật biểu diễn hoặc lựa chọn những tiết mục hay, ý nghĩa để biểu diễn trong những chương trình cụ thể...

Chúng tôi cũng khuyến nghị các đơn vị nghệ thuật cần phải tiếp cận ngay với cách làm nghệ thuật phù hợp với quy luật của thị trường đó là: Hãy chủ động mang nghệ thuật đến với khán giả thay vì đợi công chúng, khán giả đến với nghệ thuật. Có nhiều cách tiếp cận khán giả khác nhau như tổ chức đi lưu diễn, hay tiếp thị qua các kênh thông tin, truyền thông báo chí và nhất là trên các trang mạng xã hội, đây là cách tiếp cận phổ biến, ít tốn kém nhưng rất có hiệu quả trong thời kỳ công nghệ hiện nay.

Chương trình "Mỵ" của Đoàn Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc được xem là có nhiều yếu tố sáng tạo, mới lạ, kết hợp nhiều yếu tố đương đại.


* Rất nhiều trưởng đoàn của các Đoàn nghệ thuật tâm sự rằng, họ đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động biểu diễn do khán giả không còn mặn mà với nghệ thuật. Việc tự chủ, xã hội hoá là điều cần thiết và là chủ trương cần phải thực hiện trong tương lai gần khiến cho không ít nghệ sĩ tâm tư, lo lắng. Ông nhận định thế nào về những khó khăn nói trên?

- Tôi rất chia sẻ với tâm tư, tình cảm của các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ trong xu thế hiện nay. Tuy nhiên các đơn vị nghệ thuật cũng cần xác định đó là hướng đi cần thiết và tất yếu trong giai đoạn hiện nay, đây cũng là cơ hội để củng cố về tổ chức, bộ máy, tập trung nguồn lực cho sáng tạo nghệ thuật của các đơn vị. Trong một bộ máy, đơn vị nào phát huy được năng lực sẽ vươn lên và tiếp tục phát triển. Đơn vị nào chậm đổi mới sẽ tụt lại phía sau và thị trường sẽ thanh lọc, công chúng sẽ lựa chọn và sẽ vẫn tiếp tục đón nhận những cái hay, cái đẹp, độc đáo của các đoàn nghệ thuật. Tuy nhiên, lúc này tôi cho rằng các đơn vị không còn thời gian để “tâm tư” nữa, mà cần phải bắt tay ngay vào việc tìm tòi, sáng tạo và tôi tin rằng các đơn vị sẽ tìm được hướng đi, xây dựng được bản sắc riêng để tiếp tục duy trì, phát triển.

Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng cần kịp thời có sự động viên, hướng dẫn, ổn định tổ chức và khi quyết định sáp nhập thì nên xác định lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ là nhân tố chính, nòng cốt ở đơn vị mới thành lập, như vậy các đoàn, nghệ sĩ sẽ yên tâm và chuyên tâm sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

* Theo ông, các đoàn cần phải làm gì để khắc phục những khó khăn này?

Tôi cho rằng cốt yếu vẫn là cần thay đổi tư duy trong hoạt động kinh doanh biểu diễn nghệ thuật của đơn vị mình. Hãy đặt cá nhân và đơn vị ở vị thế như một doanh nghiệp hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý địa phương về cơ sở vật chất.

Đồng thời trong sáng tạo, biểu diễn cần phải xây dựng được bản sắc riêng biệt, dám đột phá, đưa những sáng tạo, cách làm mới vào thử nghiệm biểu diễn.

Hiện nay chúng tôi cũng đang xây dựng Đề án quy hoạch, sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật công lập trên toàn quốc nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng về nội dung này và mục đích chính cũng là nhằm nâng cao năng lực tổ chức, hoạt động của các đơn vị nghệ thuật công lập.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Hoàng Lân (thực hiện)