Thiếu giải pháp hiệu quả!

Đời sống - Ngày đăng : 08:07, 05/07/2018

(HNM) - Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ mua, bán giấy khám sức khỏe giả tại nhiều tỉnh, thành phố nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Vì sao giấy khám sức khỏe giả vẫn

Để có giấy chứng nhận sức khỏe đạt yêu cầu, người dân nên đến các cơ sở y tế có uy tín.
Ảnh: Bá Hoạt


Bán tràn lan, trao tận nhà

Gõ cụm từ “Giấy khám sức khỏe” trên công cụ tìm kiếm Google, trong 0,40 giây xuất hiện hơn 52 triệu kết quả. Đáng chú ý, những thông tin hiện lên hàng đầu chính là những dòng rao bán giấy khám sức khỏe với lời chào mời công khai như “Giấy khám sức khỏe lấy ngay chỉ từ 50.000 đồng/bản”, hay “Cấp giấy khám sức khỏe nhanh chỉ sau 5 phút, ship (giao hàng) tại nhà”… Thậm chí, có nơi còn đăng bảng giá cụ thể từng loại: Loại A3 không giáp lai ảnh 100.000 đồng/bản, loại A3 có giáp lai ảnh 150.000 đồng/bản, loại dành cho lái xe 175.000 đồng/bản, loại A4 với giá 50.000 đồng/bản và không quên kèm theo phí “ship” trong nội thành với mức 25.000 đồng… Nội dung quảng cáo này còn xuất hiện cả trên Facebook.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe gấp, phóng viên Báo Hànộimới đã liên lạc với trang Facebook “Giấy khám sức khỏe lấy ngay”. Tin nhắn phản hồi đến ngay lập tức: Liên hệ với số điện thoại 0169488xxxx để làm nhanh với mức giá 150.000 đồng/bản. Chỉ cần cho địa chỉ, tên tuổi, họ sẽ “ship” luôn đến tận nơi, bất kể lúc nào. Để tăng thêm độ tin cậy, trang Facebook này còn cung cấp hình ảnh, mẫu giấy khám sức khỏe có con dấu, chữ ký kèm theo. Ngỏ ý muốn biết giấy khám là của bệnh viện nào, chúng tôi nhận được câu trả lời là “Bệnh viện Giao thông vận tải”…

Trao đổi với phóng viên về việc nói trên, đại diện Bệnh viện Giao thông vận tải cho biết đã từng có công văn gửi Công an quận Đống Đa (Hà Nội) phản ánh về tình trạng mạo danh bác sĩ, làm dấu giả để “chế” giấy khám sức khỏe của bệnh viện này. Qua điều tra, công an đã bắt giữ hai đối tượng mang theo 7 con dấu giả. Những người này vào tận bệnh viện để rao bán “giấy chứng nhận sức khỏe cấp tốc”.

Nhiều bệnh viện khổ sở trước nạn mạo danh, tìm nhiều cách để ngăn chặn. Như Bệnh viện Giao thông vận tải đã làm tem chống giả, thay đổi mẫu mã giấy khám sức khỏe và thông báo trên website của bệnh viện; tăng cường bảo vệ để kiểm soát những đối tượng ra, vào bệnh viện... Cố gắng là thế nhưng hiện tượng giả mạo giấy khám sức khỏe của bệnh viện vẫn diễn ra.

Tại Bệnh viện E trung ương - cơ sở y tế nhiều lần bị “tố” bán giấy khám sức khỏe, ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp khẳng định, tất cả giấy khám sức khỏe được rao bán đều không phải là của Bệnh viện E. Cách đây vài năm, Công an phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã triệt phá đường dây bán giấy khám sức khỏe giả con dấu, chữ ký của bác sĩ Bệnh viện E. “Cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc và xử lý nghiêm những kẻ có hành vi lừa đảo trên”, ông Trần Quốc Khánh đề nghị.

Theo chị Hoàng Thị Phượng, nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, hiện nay, để có được giấy khám sức khỏe của các bệnh viện công, người dân phải qua các bước gồm: Xét nghiệm máu, nước tiểu, khám thể lực, khám nội ngoại khoa, mắt, tai mũi họng… Nhiều người coi giấy chứng nhận sức khỏe chỉ là thủ tục hoàn thành hồ sơ xin việc, nhập học, bổ nhiệm… nên chỉ cần có được tấm giấy một cách nhanh nhất, kết quả như ý.

Thị trường mua, bán giấy khám sức khỏe tồn tại từ năm này qua năm khác do nhiều nguyên nhân. Ngoài lý do liên quan tới nhu cầu hoàn thiện thủ tục hành chính nói trên thì còn phải kể đến việc tiếp nhận hồ sơ xin việc, học lái xe… bị buông lỏng. Nhiều cơ sở đào tạo lái xe và tuyển dụng lao động cho biết họ không có chức năng và trách nhiệm trong việc thẩm định xem giấy khám sức khỏe là giả hay thật. Đó chính là “lỗ hổng” lớn khiến giấy khám sức khỏe giả vẫn… “được giá”.

Không thể buông lỏng…

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, việc mua, bán giấy khám sức khỏe giả không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh. Nghiêm trọng hơn, những tờ giấy khám sức khỏe giả còn góp phần khiến tai nạn giao thông có nguy cơ gia tăng do người tham gia giao thông không đủ điều kiện về sức khỏe. Thêm vào đó, những người tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh về tim mạch, huyết áp, rối loạn tiền đình… mà đảm nhận công việc nặng nhọc hay làm việc trong môi trường áp lực cao thì rất nguy hiểm. Như vậy, khi "mua", sử dụng giấy khám sức khỏe giả, người lao động không chỉ tiếp tay cho hành vi sai trái mà còn có thể gây hại cho chính bản thân trong quá trình làm việc sau này.

Khám sức khỏe tại các cơ sở y tế có uy tín sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ảnh: Bá Hoạt



Còn theo ông Hoàng Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), gần đây, Bộ Y tế nhận được nhiều ý kiến phản ánh về việc mua, bán giấy khám sức khỏe - tức không cần đến khám trực tiếp tại cơ sở y tế. Cục Quản lý khám chữa bệnh được giao nhiệm vụ thành lập đoàn công tác tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng loạt bệnh viện trên cả nước. Sau khi thanh tra, kiểm tra, đơn vị này sẽ tổng kết, đưa ra đề xuất giúp nâng cao hiệu quả quản lý công tác khám, cấp giấy khám sức khỏe cũng như giấy ra viện…

Rõ ràng, để việc mua, bán giấy khám sức khỏe giả không còn “đất sống”, cơ quan chức năng cần khẩn trương đưa ra những biện pháp quản lý hiệu quả.

Theo ông Hoàng Văn Thành, các bệnh viện phải tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động khám sức khỏe tại đơn vị mình để kịp thời phát hiện sai phạm (nếu có). Cần siết chặt công tác quản lý hoạt động khám, cấp giấy khám sức khỏe bằng cách theo dõi, cập nhật hằng ngày thông tin về việc khám, cấp giấy khám sức khỏe, cấp giấy ra viện do chính bệnh viện ban hành. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm…

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc mua giấy khám sức khỏe, không cần đi khám là vi phạm Điều 267 Bộ luật Hình sự về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Các đối tượng phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm... thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm.


Thu Trang