Xây dựng môi trường giao thông an toàn

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 06/07/2018

(HNM) - Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương so với cùng kỳ năm 2017. Đó là một tín hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, trên bình diện chung, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng an toàn giao thông chưa bảo đảm, đó là hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh; các loại hình vận tải hoạt động chưa nền nếp; phương tiện giao thông cá nhân tăng cao... Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông ý thức chấp hành pháp luật hạn chế; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn tái diễn.

Cùng với đó, vẫn xuất hiện tình trạng tha hóa của những người có trách nhiệm giám sát giao thông; trong khi chính quyền một số địa phương còn buông lỏng... Vì tư lợi, họ sẵn sàng làm ngơ trước hành vi vi phạm pháp luật như: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; chạy quá tốc độ cho phép; "xe dù", "bến cóc" hoành hành…

Hệ quả là mất an toàn giao thông, là mỗi ngày có hàng chục người phải vĩnh viễn rời xa cuộc sống, chưa kể người bị thương. Thực tế đáng buồn này không chỉ ám ảnh về tinh thần mà còn dẫn đến tình trạng nghèo đói, bệnh tật cho nhiều gia đình.

Rõ ràng, tính bền vững trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thời gian tới vẫn là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương. Do đó, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng về đường giao thông, phương tiện vận tải, vấn đề cốt yếu hiện nay là xây dựng cho được môi trường tham gia giao thông lành mạnh, an toàn.

Trước hết là nhiệm vụ xây dựng văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên. Thực tế, phần nhiều các vụ tai nạn giao thông xảy ra có liên quan đến thanh niên, trong đó có việc sử dụng rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu... Vì vậy, các cấp, ngành phải đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, vùng miền.

Trong đó, cần chú trọng làm tốt công tác truyền thông trong trường học, cung cấp đầy đủ những kiến thức an toàn giao thông cho học sinh, qua đó hình thành ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó cần tăng cường xử lý nghiêm vi phạm, tránh để xảy ra tình trạng "nhờn" luật.

Để làm được điều đó, đòi hỏi sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền ở mỗi địa phương. Vì thế, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác an toàn giao thông phải đi vào thực chất, hiệu quả, nhất là ở những nơi trật tự an toàn giao thông còn phức tạp. Đặc biệt, cần khắc phục ngay những hiện tượng buông lỏng quản lý nhà nước về an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải, kỹ thuật phương tiện, thanh tra, tuần tra và kiểm soát...

Cùng với đó, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục xem xét, đánh giá để hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về an toàn giao thông phù hợp thực tiễn hiện nay. Việc ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật cần bảo đảm tính nghiêm minh, răn đe và giảm việc tái phạm.

An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà! Mỗi công dân phải tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông để góp phần làm cho xã hội văn minh, hiện đại. Hãy chung tay vì một xã hội an toàn hơn. 

Chí Kiên