Cần thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc thù

Du lịch - Ngày đăng : 06:21, 06/07/2018

(HNM) - Tại cuộc tọa đàm “Liên kết hợp tác phát triển du lịch Hà Nội - An Giang - Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng - Hậu Giang” mới được tổ chức vào cuối tháng 6-2018, tại Hà Nội, vấn đề xây dựng thêm sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách du lịch từ Hà Nội đến Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được đặt ra.


Tiềm năng đã rõ

Ông Phạm Thế Triều, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho hay: “Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, có nét độc đáo riêng gắn với sông nước, miệt vườn, chợ nổi… Đây là nơi giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm nên sở hữu khối tài nguyên du lịch vô cùng đặc sắc. Thời gian qua, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường đầu tư cho du lịch trên nhiều mặt, số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đã tăng lên đáng kể”.

Đồng bằng sông Cửu Long có tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo gắn với sông nước, miệt vườn, chợ nổi. Ảnh: Linh Ngọc


Những năm gần đây, hạ tầng du lịch tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được cải thiện đáng kể. Số khách sạn 3-4 sao đã xuất hiện nhiều hơn, việc đi lại cũng thuận tiện hơn. Những tuyến bay từ Hà Nội tới một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực này mở ra cơ hội phát triển du lịch.

Hiện nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long chia thành 2 cụm du lịch là Tây sông Hậu (gồm 7 tỉnh, thành phố: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, TP Cần Thơ) và Đông sông Hậu (gồm Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An).

Hà Nội xác định Đồng bằng sông Cửu Long là thị trường tiềm năng nên đã có giải pháp liên kết để thúc đẩy phát triển du lịch.

Từ cuối năm 2016, Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Hà Nội với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 đã được ký kết. Đây cũng là sự cụ thể hóa mong muốn khai thác tối đa tiềm năng du lịch của vùng đất này, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho du khách Hà Nội cũng như khách đến Hà Nội.

Ông Trịnh Xuân Tùng, Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch Hà Nội) cho biết, Hà Nội đã tích cực hợp tác với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phối hợp tổ chức nhiều đoàn khảo sát xây dựng sản phẩm, hợp tác kết nối tour, tuyến...

Dù vậy, đến nay vẫn chưa có số liệu cụ thể để đánh giá về số du khách từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long sau khi chương trình hợp tác nói trên được thực hiện. Tuy nhiên, như khẳng định của đại diện Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thì sự hợp tác đã mang đến tín hiệu tích cực trong việc khai thác tiềm năng du lịch nơi đây.

Tạo sự khác biệt

Trong cuộc tọa đàm vào cuối tháng 6 vừa qua, đại diện Sở Du lịch Hà Nội đã cho rằng Hà Nội đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong quảng bá, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực quản lý và phục vụ du lịch cũng như trong việc xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để giới thiệu tới người dân Hà Nội và du khách tới Thủ đô...

Tiềm năng du lịch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa được khai thác tối đa, còn nhiều khoảng trống. Hạn chế này cần được khắc phục thông qua việc xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng để thu hút du khách.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn như Hanoitourist, Vietrantour, HanoiRedtour, Vietravel… đều khai thác sản phẩm tour từ Hà Nội đến Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng, như nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận định, ngoài các địa danh đặc biệt như Cà Mau, Phú Quốc (Kiên Giang)… thì sản phẩm du lịch trong vùng khá tương đồng. Các địa phương đều có tour sông nước, đờn ca tài tử… nên du khách chỉ tập trung vào một số điểm đến trong vùng, nhất là những nơi có sân bay.

Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho hay: “So với trước đây, sản phẩm du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa có nhiều thay đổi. Về tổng thể, sản phẩm du lịch nơi đây vẫn chưa theo kịp xu thế phát triển chung”. Chính vì vậy, khi tới đây, cảm nhận của du khách thường là “không có gì”. Đó là khó khăn chung với các doanh nghiệp khi mời chào khách du lịch từ Hà Nội tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Vì vậy, ông Phùng Quang Thắng đề xuất, cần phải “đánh bóng” các điểm du lịch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thông qua hoạt động quảng bá cũng như đầu tư cho các điểm đến tại đây.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cần phát huy thế mạnh về du lịch nông nghiệp gắn với sông nước. Trong đợt khảo sát gần đây tại Cần Thơ, khi tới một số miệt vườn, các chuyên gia du lịch nhận thấy số lượng quả trong các khu vườn quá ít trong khi hầu như không có dịch vụ phụ trợ. Như vậy, thế mạnh của vùng này không được phát huy.

Bên cạnh đó, cần có sự “phân vai” giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực để xác định địa phương nào tập trung phát triển sản phẩm nào, từ đó tạo nên nét riêng để thu hút du khách. Đồng bằng sông Cửu Long cần có những điểm đến, sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng khách. Như muốn thu hút khách từ Châu Âu thì phải giữ được nét dân dã tại các điểm đến cũng như thông qua sản phẩm du lịch - một lợi thế sẵn có của vùng...

Rõ ràng, khả năng thu hút du khách từ Hà Nội tới tham quan, du lịch, khám phá Đồng bằng sông Cửu Long là rất cao với nhiều thuận lợi. Vấn đề còn lại là khu vực này cần tạo ra sản phẩm đa dạng để thu hút khách du lịch. Nếu không làm được việc này, các công ty lữ hành sẽ gặp nhiều khó khăn để đưa khách tham gia các tour đến Đồng bằng sông Cửu Long và đó sẽ là sự lãng phí rất lớn.

Minh Quang