Nguồn nhân lực hợp tác xã: Vừa yếu và thiếu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:15, 06/07/2018
Cán bộ HTX Nông nghiệp Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) đánh giá năng suất lúa. Ảnh: Thái Hiền |
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện nay các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả là do trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ hạn chế. Số cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước đã qua đào tạo trung cấp trở lên tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 46%; hơn 60% chủ tịch hội đồng quản trị hoặc giám đốc hợp tác xã đã hết tuổi lao động, điều hành chủ yếu dựa vào kinh nghiệm...
Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh nhận định, hạn chế về trình độ năng lực cá nhân dẫn đến khó khăn cho hợp tác xã trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng và khả năng xây dựng chuỗi giá trị trong thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Trong khi, phần lớn nhân sự giữ các vị trí chủ chốt và quản lý hợp tác xã có độ tuổi cao hoặc hết tuổi lao động. Tại nhiều hợp tác xã, các thành viên kiêm nhiệm vị trí như kế toán, kinh doanh nhưng không có trình độ đúng chuyên môn, thậm chí có người chưa tốt nghiệp THPT.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong, hiện nay số cán bộ của hợp tác xã nông nghiệp có trình độ trung cấp trở lên trong hội đồng quản trị trên địa bàn thành phố chỉ chiếm 28,5%, ban kiểm soát chiếm 16,2%, kế toán là 45,5%.
Do trình độ chuyên môn vừa thiếu và yếu nên hiệu quả hoạt động của hợp tác xã thấp. Nhiều hợp tác xã chưa nhạy bén tham gia các dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc tổ chức sản xuất kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Hầu hết những người giữ vai trò quản trị cơ bản chưa qua đào tạo, được các thành viên bình bầu nên không tránh khỏi lúng túng trong điều hành, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của hợp tác xã. Mặt khác, do thu nhập của cán bộ hợp tác xã thấp và chưa có chế độ chính sách lâu dài đã làm giảm sự nhiệt huyết của bộ máy quản lý cũng như chưa thu hút người có năng lực, trình độ tham gia vào hợp tác xã.
Khắc phục hạn chế trên, hằng năm Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội đều phối hợp với các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hợp tác xã về kiến thức; lập hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho lãnh đạo quản lý hợp tác xã...
Để tạo điều kiện cho hợp tác xã thu hút đối tượng trẻ vào làm việc, ông Nguyễn Tiến Phong cho rằng, các ngành chức năng cần mạnh dạn thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở hợp tác xã và có chính sách đãi ngộ đối với những trường hợp này.
Trong thời gian tới, việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho hợp tác xã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở hợp tác xã nông nghiệp.
Trước khi về hợp tác xã, cán bộ trẻ sẽ được tập huấn, tìm hiểu rõ về hợp tác xã, những yêu cầu đặt ra... Đây là giai đoạn thí điểm nên mỗi hợp tác xã sẽ tuyển chọn một cán bộ, mỗi tỉnh khoảng 5 hợp tác xã. Cuối năm 2018 sẽ có sơ kết đánh giá để năm 2019 có thể triển khai trên diện rộng.