Nhanh chóng xây dựng cơ cấu sản phẩm chủ lực
Kinh tế - Ngày đăng : 06:34, 06/07/2018
TP Hồ Chí Minh đang tìm sản phẩm chủ lực để xứng đáng là đầu tàu kinh tế. |
Chưa có thương hiệu nổi bật
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh ước đạt 585.635 tỷ đồng, tăng 7,86% (cùng kỳ tăng 7,76%). Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh là 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu. Tỷ trọng 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng cao nhất (57,6%) trong tổng GRDP.
Trong đó, nhóm ngành bất động sản, thương mại, vận tải kho bãi và tài chính - ngân hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, chiếm 40,2% trong tổng GRDP. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, ngành dịch vụ có tỷ trọng tăng trưởng cao là phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố - tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, công nghiệp của thành phố tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, chỉ số phát triển công nghiệp chỉ tăng 7,11% (cùng kỳ tăng 7,51%). Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực, thực phẩm) chiếm 54,3% giá trị sản lượng của ngành công nghiệp và chiếm 10% tổng giá trị GRDP 6 tháng đầu năm.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư phát triển công nghiệp rất bài bản, thường xuyên ứng dụng công nghệ mới trong khi các doanh nghiệp công nghiệp trong nước vẫn ì ạch.
Đây cũng là điều khiến lãnh đạo TP Hồ Chí Minh băn khoăn. Đơn cử như ngành cơ khí, vốn là ngành truyền thống, phát triển từ lâu, có nhiều doanh nghiệp hoạt động nhưng chưa có thương hiệu nào nổi bật.
Lý giải nguyên nhân, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành cơ khí có khoảng 18.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, tính liên kết không cao, không có doanh nghiệp đủ năng lực làm đầu mối, dẫn dắt toàn ngành. Khó khăn tiếp theo là công nhân lành nghề, kỹ sư giỏi đều sang làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, do đó tìm "mẫu số chung" để hỗ trợ doanh nghiệp này rất khó. Đây cũng là thực trạng chung của công tác phát triển doanh nghiệp hiện nay tại TP Hồ Chí Minh.
Phải xây dựng sản phẩm chủ lực
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội TP Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề: "Không có lý do gì một trung tâm công nghiệp của cả nước mà không có thương hiệu nào từ sản phẩm công nghiệp? Thành phố có bao nhiêu thương hiệu và những thương hiệu đó có tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu? Một thành phố được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là năng động và có nhiều điều kiện phát triển sao lại chậm chạp trong xây dựng thương hiệu sản phẩm?".
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Thành Phong đã giao các sở, ban, ngành có liên quan ngay trong tháng 7-2018 phải xây dựng xong cơ cấu sản phẩm chủ lực dựa trên cơ cấu phát triển các ngành công nghiệp của thành phố. Theo đó, sản phẩm chủ lực phải đóng góp tỷ trọng nhất định trong GRDP.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện phải xác định sản phẩm chủ lực của địa bàn mình là gì. "Sản phẩm chủ lực của quận 9 không thể giống quận Tân Bình được. Mỗi quận, huyện cần có sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù để xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. Người đứng đầu chính quyền thành phố chỉ ra: Trong điều kiện hội nhập kinh tế và cạnh tranh hiện nay, chất lượng sản phẩm gắn liền với thương hiệu, điều đó chỉ có thể dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo.
Nhằm tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp, từ nay đến cuối năm thành phố sẽ cố gắng đưa thêm một khu công nghiệp vào hoạt động, nâng tổng số lên 18 khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn. Cùng với đó, thành phố sẽ tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng thêm các khu công nghiệp khác.
Trong đó, dành hẳn một khu công nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Sắp tới, thành phố cũng sẽ tổ chức các hội nghị về đổi mới sáng tạo để lắng nghe doanh nghiệp, từ đó đề ra chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là sẽ hạn chế doanh nghiệp thâm dụng lao động, tăng tỷ lệ tự động hóa, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến vào cuối tháng 7-2018, Sở Công Thương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố và các trường đại học trên địa bàn tổ chức các cuộc hội thảo để làm rõ thế nào là sản phẩm chủ lực, định hình sản phẩm chủ lực gồm những gì, đề xuất tiêu chí để xác định sản phẩm chủ lực; trong đó đặc biệt quan tâm đến hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và vai trò đóng góp cho nền kinh tế thành phố.