Nghiên cứu các giải pháp khả thi, đưa vào nghị quyết để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm (*)
Chính trị - Ngày đăng : 05:57, 06/07/2018
(Trích phát biểu khai mạc kỳ họp của Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC)
Chương trình kỳ họp thứ sáu, HĐND thành phố gồm những nội dung:
Một là, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2018 của thành phố.
Với chủ đề năm công tác là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, thành phố chúng ta bước vào thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở. Công tác cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản trị hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt; đồng thời, chú trọng đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế của thành phố tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, GRDP tăng 7,07% (cùng kỳ 6,64%); thu ngân sách nhà nước ước đạt 50,4% dự toán, tăng 19% so với cùng kỳ.
Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, Chỉ số PCI tăng 1 bậc đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước đến nay; lần đầu tiên trong 30 năm qua, 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội vượt lên dẫn đầu cả nước thu hút được 5,9 tỷ USD vốn FDI. Công tác quản lý và phát triển đô thị được tăng cường, vệ sinh môi trường và giảm ùn tắc giao thông có nhiều chuyển biến tích cực; công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm, đến nay thành phố đã có 4 huyện và 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới. An sinh xã hội được quan tâm, chăm lo người có công với cách mạng, gia đình chính sách. Văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, phát triển; quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại được mở rộng.
Đối chiếu với kế hoạch của nửa nhiệm kỳ, đến nay 13 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đều được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có 4 chỉ tiêu dự kiến về đích trong năm 2018.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 của thành phố cũng còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, đó là: Mặc dù đã tăng được 2 bậc song xếp hạng Chỉ số PAPI của thành phố so với cả nước còn thấp; là thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh với mật độ nhà chung cư dày đặc nhưng công tác quản lý vận hành sử dụng nhà chung cư, tái định cư, nhà chuyên dùng vẫn còn nhiều bất cập gây bức xúc cho nhân dân như, vấn đề phòng cháy, chữa cháy, tranh chấp quỹ bảo trì, thành lập ban quản trị…; vi phạm về trật tự xây dựng vẫn còn những diễn biến phức tạp, một số công trình vi phạm tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm, số công trình vi phạm mới vẫn ở mức cao, nhất là vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công…
Do vậy, chúng ta không thể chủ quan, hài lòng với những kết quả đã đạt được mà tại kỳ họp này, chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp khả thi, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018.
Hai là, HĐND thành phố xem xét, thảo luận và thông qua 12 báo cáo và 3 nghị quyết thường kỳ; 2 báo cáo và 7 nghị quyết chuyên đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đời sống dân sinh như: Mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội; cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương thực hiện Đề án chương trình sữa học đường; mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường cho người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố; hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban Công tác mặt trận ở khu dân cư thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; một số cơ chế, chính sách đặc thù cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyên môn về công nghệ thông tin; định mức chi phí quản lý dự án và nội dung chi quản lý dự án của Ban quản lý xã; một số nội dung, mức chi đặc thù phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố...
Trong quá trình chuẩn bị nội dung, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; giữa các ban HĐND với các cơ quan chủ trì soạn thảo để trình ra kỳ họp, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Đối với những nghị quyết có nội dung quan trọng, tác động trực tiếp, rộng khắp đến đời sống xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý phản biện một cách sâu sắc, toàn diện trước khi trình HĐND quyết định như: Dự thảo nghị quyết về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương thực hiện Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018-2020. Dự thảo nghị quyết quy định mức hỗ trợ vùng ảnh hưởng môi trường cho người dân khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn thành phố. Qua ý kiến phản biện, UBND thành phố đã tiếp thu vào dự thảo trình ra kỳ họp.
Ba là, HĐND thành phố tiếp tục thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND đối với UBND thành phố và các cơ quan liên quan. Tại kỳ họp này, HĐND sẽ dành 1 ngày (3/4 thời gian) để chất vấn và trả lời chất vấn. Điểm mới của phiên chất vấn lần này là: Để các cơ quan được chất vấn có thời gian tổ chức thực hiện kết luận của Chủ tọa tại kỳ họp thứ năm; kỳ họp thứ sáu này, HĐND thành phố sẽ không tái chất vấn việc thực hiện các kết luận của Chủ tọa tại kỳ họp thứ năm mà dành thời gian chất vấn các nhóm vấn đề mới. Để chuẩn bị cho phiên chất vấn, Thường trực, các ban HĐND thành phố đã tổ chức các cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri chuyên đề lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp cử tri và nhân dân; bảo đảm mỗi vấn đề đưa ra đều là những vấn đề quan trọng, trọng tâm, bức xúc nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm. Việc thực hiện các kết luận của Chủ tọa tại kỳ họp thứ năm sẽ được tái chất vấn tại kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố.
Kỳ họp thứ sáu, HĐND TP Hà Nội (khóa XV) có nhiều nội dung quan trọng cần được xem xét nghiêm túc, trách nhiệm. Để đổi mới hoạt động của HĐND trong kỳ họp theo hướng: Hiệu quả, thiết thực, nghị quyết sát với thực tiễn, phát huy được trí tuệ của từng đại biểu, kỳ họp này đã rút ngắn thời gian họp nhưng thay đổi cách thức: Gửi tài liệu và gợi ý tham gia tới đại biểu trước; tổ chức thảo luận tổ trước khi vào phiên họp chính thức. Qua phiên thảo luận tổ vào chiều ngày 4-7-2018 đã có 60 lượt đại biểu phát biểu ý kiến. Những ý kiến đó đã được UBND và các ngành nghiêm túc giải trình. Thay mặt Chủ tọa kỳ họp, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, thảo luận dân chủ, tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân Thủ đô.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc kỳ họp thứ sáu HĐND TP Hà Nội (khóa XV).