Chuyến công du ý nghĩa trong quan hệ EU – Iran
Thế giới - Ngày đăng : 05:51, 07/07/2018
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) gặp người đồng cấp Áo Alexander Van der Bellen tại Vienna, Áo. |
Đáng chú ý, chuyến thăm chỉ diễn ra hai tháng sau khi Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) và một tháng sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu công du Châu Âu để thuyết phục các nhà lãnh đạo EU rời bỏ thỏa thuận hạt nhân. Các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Tehran sẽ chính thức được khôi phục từ ngày 6-8-2018 liên quan tới lĩnh vực ô tô và kim loại. Và sau đó, từ ngày 4-11-2018, Washington sẽ áp đặt lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng của Iran. Ở vào thời điểm nhạy cảm như thế, sứ mệnh bảo vệ bản thỏa thuận đang trong tình thế mong manh của nhà lãnh đạo Iran càng nặng nề hơn.
Sở dĩ, nhà lãnh đạo Iran lựa chọn Áo và Thụy Sĩ để công du chứ không phải Anh, Pháp, Đức bởi ngày 1-7 vừa qua, Áo đã đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của EU trong sáu tháng, còn Thụy Sĩ đại diện cho những lợi ích của Mỹ tại Iran do Washington và Tehran không có quan hệ ngoại giao, đồng thời là nơi đặt trụ sở Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Tại Áo và Thụy Sĩ, ông H.Rouhani đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo hai nước này trong việc củng cố quan hệ song phương, mở rộng hợp tác thương mại và nhất là nỗ lực duy trì JCPOA. Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen cho rằng JCPOA không thể giải quyết mọi vấn đề nhưng là một "cửa sổ" để xem xét các vấn đề khác. Trong khi đó, Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset khẳng định không có trở ngại nào để thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Iran và Thụy Sĩ. Thụy Sĩ ủng hộ thỏa thuận JCPOA và cho rằng tất cả các quốc gia nên cố gắng duy trì thỏa thuận này.
Theo các nhà phân tích, chuyến công du EU của ông H.Rouhani nhằm xóa bỏ hoài nghi về các cam kết của EU trong việc duy trì JCPOA mà thay vào đó là các hành động cụ thể với gói đề xuất của các quốc gia Châu Âu về cách duy trì JCPOA, cũng như duy trì mối quan hệ kinh tế và thương mại tốt nhất có thể giữa Iran và các đối tác quốc tế. Iran đã nhiều lần cảnh báo tiếp tục làm giàu uranium lên 20%, cao hơn mức cho phép trong thỏa thuận hạt nhân nếu thỏa thuận này sụp đổ. Hiện Iran muốn các nước và các tập đoàn Châu Âu phải cam kết rõ ràng rằng có tiếp tục hợp tác kinh tế với Iran hay không, thậm chí là nâng mức độ hợp tác và trợ giúp Iran nhằm bù đắp thiệt hại mà Iran sẽ phải gánh chịu khi bị Mỹ trừng phạt.
Việc Iran và EU cố gắng duy trì JCPOA là nhằm bảo đảm lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quay lưng với bản thỏa thuận, các công ty nước ngoài trở nên dè dặt hơn khi hợp tác với Iran. Họ lo ngại khả năng Tehran sẽ không tránh khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Tuy Châu Âu và những đối tác khác tham gia ký JCPOA vẫn cam kết sẽ ủng hộ việc duy trì thỏa thuận, nhưng như vậy không có nghĩa là họ sẽ không thể thay đổi trong tương lai...
Theo đánh giá của giới phân tích, chuyến thăm của Tổng thống H.Rouhani tới EU là dấu hiệu cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm chung của cả Lục địa già và Iran nhằm tìm kiếm sự bảo đảm cho cả hai bên.