Nằm ghép 2 người, bảo hiểm chỉ thanh toán 50% mức giá giường bệnh
Đời sống - Ngày đăng : 05:40, 07/07/2018
Thông tư 15 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 15-7 tới sẽ điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật, trong đó điều chỉnh giảm 70 dịch vụ từ 6% đến 24%. Cụ thể, 6 loại giá khám bệnh giảm 17% (của 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã); 34 loại giá về ngày/giường bệnh giảm 6% (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường); 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm giảm bình quân 24%. Ngoài ra, Thông tư 15 điều chỉnh tăng 9 loại dịch vụ, gồm 7 loại giá ngày/giường bệnh, chủ yếu là giường hồi sức tích cực, giường hồi sức cấp cứu được điều chỉnh tăng 5%, và 2 dịch vụ xét nghiệm.
Mặt khác, có 9 dịch vụ kỹ thuật mới được bổ sung, người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán. Bên cạnh đó, người bệnh vào khoa cấp cứu, có thời gian cấp cứu, điều trị dưới 4 giờ thì không phải trả tiền ngày/giường bệnh hồi sức cấp cứu. Trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp thì chỉ phải trả bằng 50% tiền giường. Đặc biệt, bệnh viện bố trí nằm ghép 2 người/giường thì chỉ được bảo hiểm xã hội thanh toán 1/2 mức giá giường bệnh, nằm ghép 3 người thì thanh toán 1/3 mức giá. Đối với các bàn khám cho hơn 65 lượt người/ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó...
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, thời gian qua, phần lớn các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm có sự biến động lớn trong chỉ định dịch vụ, thậm chí, nhiều cơ sở y tế đã sử dụng không hợp lý, ảnh hưởng đến Quỹ Bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc điều chỉnh giá lần này sẽ góp phần giảm tình trạng chỉ định những kỹ thuật, xét nghiệm không cần thiết.
* Ngày 6-7, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến y tế cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, nhiều trạm y tế xã bước đầu đã triển khai việc quản lý, điều trị một số bệnh mạn tính không lây nhiễm (tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch…), một số loại bệnh truyền nhiễm (lao, HIV/AIDS…) và phục hồi chức năng. Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước có gần 10.000 trạm y tế tuyến xã nhưng có nơi có bác sĩ có nơi không… Nếu năm 2014, tỷ lệ người dân khám, chữa bệnh tại tuyến xã là gần 30% thì năm 2017 chỉ còn gần 20% và 6 tháng đầu năm nay còn 18%.
Được biết, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện mô hình 26 trạm y tế chuẩn để nhân rộng trên phạm vi cả nước.