Quyết định bước ngoặt về xử lý rác

Thế giới - Ngày đăng : 05:11, 08/07/2018

(HNM) - Trong nhiều thập niên, Trung Quốc là nước nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới nhằm phục vụ các ngành sản xuất nội địa, trong đó có cả công nghiệp xử lý và tái chế rác thải, vốn tăng trưởng với tốc độ vô cùng nhanh chóng.

Trước khi có lệnh cấm, Trung Quốc là nơi tiêu thụ hơn một nửa phế liệu của thế giới.


Giờ đây, khi đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc chuyển hướng tập trung làm sạch bầu không khí, cùng với nguồn nước và đất. Kể từ khi trở thành người lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đóng cửa hàng chục nghìn nhà máy gây ô nhiễm cao, đồng thời thúc đẩy sử dụng năng lượng tái sinh, hướng Trung Quốc trở thành một quốc gia đi đầu về đầu tư vào phát triển xanh. Việc Bắc Kinh cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, trong đó có nhựa và giấy, là một phần trong những nỗ lực này.

Động thái trên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà bảo vệ môi trường, với quan điểm lệnh cấm sẽ không chỉ giúp làm sạch môi trường của Trung Quốc, mà còn buộc các quốc gia khác phải quản lý tốt hơn rác thải của chính mình. Số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu phế liệu rắn (gồm nhựa, giấy và kim loại) của nước này đã giảm 54% trong quý I-2018 so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, quyết định của Trung Quốc đang khiến nhiều quốc gia đau đầu trong việc tìm hướng mới để xử lý rác. Trên thực tế, những nền kinh tế hàng đầu thế giới, gồm cả Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Nhật Bản nhiều năm qua đều xuất khẩu phần lớn phế liệu sang Trung Quốc. Trước khi có lệnh cấm nói trên, Trung Quốc là nơi tiêu thụ hơn một nửa phế liệu của thế giới, thậm chí có những giai đoạn nhập khẩu tới 9 triệu tấn phế liệu nhựa mỗi năm.

Do đó, nhiều biện pháp ứng phó khác nhau đã được đưa ra. Trong khi EU cân nhắc đánh thuế sử dụng nhựa, Anh lại muốn chuyển xuất khẩu rác sang Đông Nam Á. Về phần mình, Mỹ, quốc gia xuất khẩu phế liệu lớn sang Trung Quốc (đạt tới 5,6 tỷ USD trong năm 2016), lại thẳng thắn đề nghị Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm. Theo quan điểm của Washington, cách làm của Bắc Kinh có thể gây hiệu ứng ngược, bởi nhiều loại phế liệu của Mỹ lẽ ra có thể tái chế tại Trung Quốc để cung cấp nguyên liệu an toàn hơn, lại bị đem ra bãi chôn lấp rác.

Tuy nhiên, nhìn chung mọi phương án được đưa ra tới nay vẫn chưa thể dẫn đến một mô hình luân chuyển và xử lý rác thải mới cho thế giới. Cùng với đó, thực tế trên gián tiếp dẫn tới nhiều nguy cơ cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có các nước Đông Nam Á, nếu không có những quyết định kịp thời. Khi Trung Quốc ngừng nhập phế thải nhựa, nước này chắc chắn sẽ phải chuyển sang nhập khẩu nhựa nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Như thế, nhu cầu cung ứng cho sức mua lớn từ nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ thúc đẩy một số nước phát triển việc tái chế phế liệu. Cùng với đó, nguy cơ đi vào lối mòn mà Trung Quốc đã từng trải qua cách đây vài thập niên dẫn tới những hậu quả khôn lường về môi trường và sức khỏe con người là rất đáng lo ngại.

Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu là một quyết định mang tính tất yếu trong xu hướng phát triển của quốc gia này. Giới chuyên gia cho rằng về lâu dài, các nước đang phát triển sẽ không dễ chấp nhận việc hủy hoại môi trường sống để đổi lấy tăng trưởng. Do vậy, thay vì tìm kiếm chỗ xuất khẩu phế liệu thay thế cho Trung Quốc, các quốc gia cần có các giải pháp xử lý rác thải bền vững và có trách nhiệm hơn nhằm bảo vệ Trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại.

Hoàng Linh