Những người dám làm và biết giành thắng lợi

Kinh tế - Ngày đăng : 17:37, 08/07/2018

(HNMO)- Vào khoảng 13 giờ 37 phút ngày 18-6-2018, huyện đảo Cô Tô và 5 xã đảo của huyện Vân Đồn bị mất điện do sự cố đường dây cấp điện ra đảo. Sau 11 ngày chống chọi với biển cả, lao động khẩn trương, những người công nhân điện đưa được ánh sáng điện trở lại với huyện đảo Cô Tô.

Sức ép và trách nhiệm

Sự cố mất điện tại huyện Cô Tô và 5 xã đảo huyện Vân Đồn xảy ra giữa lúc mưa lớn có sét đang đổ xuống Quảng Ninh khiến cho hàng chục nghìn hộ dân sinh sống trên đảo bị mất điện, chưa kể khách du lịch mùa cao điểm đang nghỉ tại Cô Tô và 5 xã đảo trên cũng bị ảnh hưởng theo. Sức ép về thu hút du lịch của tỉnh, sức ép về các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện của ngành, về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và trách nhiệm đối với khách hàng đã trở thành động lực để lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh phải có mặt ở hiện trường với thời gian sớm nhất để chỉ đạo và tập trung lực lượng kiểm tra, phân đoạn khắc phục sự cố.


Trong thời gian từ thời điểm xảy ra sự cố đến 17 giờ 47 phút ngày 19-8-2018 là liên tục các thao tác: Cắt, tách, đóng. Mưa vẫn to, sóng vẫn lớn nên lại nhảy, lại nổ, lại cắt, lại tách, lại đóng… Mặc dù đường dây đi trên địa hình phức tạp và tình hình thời tiết không thuận lợi, nhưng chỉ trong 16 tiếng sau khi xảy ra sự cố, đã khôi phục cấp điện trở lại cho 5 xã đảo huyện Vân Đồn. Vơi đi một nửa nỗi lo.

Phần còn lại là đảo Cô Tô, được cấp điện bằng đường dây ngầm dưới biển. Khá là nan giải từ khâu phân đoạn xác định điểm sự cố đến các giải pháp xử lý sự cố trong điều kiện thời tiết xấu, mưa giông, sóng lớn và những chuyến tàu chở khách du lịch phải tạm ngừng hoạt động trên biển.

Căn cứ vào báo cáo nhanh sự cố đường dây 475 E5.27 của Điện lực Vân Đồn, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công ty Điện lực Quảng Ninh họp và phán đoán vị trí điểm sự cố nằm trên tuyến cáp ngầm xuyên biển từ “CT5” đến “CT6” và đã phối hợp cùng chuyên gia của Công ty TNHH xây dựng điện Thái Dương sử dụng máy dò tìm sự cố cáp ngầm để xác định điểm sự cố, máy đo đặt tại điểm “CT6” phía Cô Tô. Sau khi đo xong tại phía Cô Tô về phía Ba Mùn tiếp tục di chuyển về phía “CT5” Ba Mùn đo về phía Cô Tô.

Tuy nhiên, do máy đo bị lỗi hệ thống, nên chưa thể xác định được vị trí sự cố. Công ty Điện lực Quảng Ninh đã phối hợp với PC Hưng Yên, PC Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc sử dụng máy đo Surgeflex 329SFG-32-1750/70-3500 của hãng SebaKMT để xác định vị trí sự cố. Kết quả, vị trí sự cố cách vị trí đặt máy thí nghiệm (tại trạm cắt CT5) khoảng 600m, thuộc đoạn cáp ngầm từ đảo Ba Mùn đến đảo Cô Tô.

Thực ra, ngay sau khi xảy ra sự cố, với linh cảm nghề nghiệp, anh em ở Công ty Điện lực Quảng Ninh và Điện lực Vân Đồn đã nghĩ đến ngay các điểm xung yếu dễ xảy ra sự cố là các mối nối và đầu cáp nên đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ chuẩn bị vật tư thiết bị dùng cho việc xử lý cáp ngầm bằng vật tư dự phòng tại công ty, trong đó quan trọng nhất là các hộp nối cáp và cáp dự phòng, đồng thời cho tháo dỡ cáp dự phòng để thí nghiệm cáp. Cùng với đó, đã liên hệ các chủ phương tiện có đủ khả năng tham gia xử lý cáp ngầm trên vùng biển Cô Tô.

Từng khâu trong công tác khắc phục sự cố được triển khai nhanh chóng. Từ 10 giờ ngày 24-6, xà lan được tàu kéo di chuyển, đến 22 giờ cùng ngày xà lan cập cảng Cửa Ông. Từ 23 giờ ngày 24-6 đến 4 giờ 30 ngày 25-6, Công ty Thái Dương vận chuyển vật tư, thiết bị để bốc xếp xuống xà lan di chuyển ra hiện trường. Trong quá trình di chuyển tiến hành luôn việc lắp đặt, gia công các neo định vị, bộ tời, giá ra cáp và các công việc khác trên xà lan. Nhưng, do lúc này tại Cửa Đối sóng rất to nên Cảng vụ cấm các phương tiện hoạt động trên biển biển. Xà lan phải neo đậu cách hiện trường khoảng 7km.

Sau gần một ngày neo đậu, Cảng vụ đã cho phép xà lan di chuyển ra hiện trường. Công việc dò tìm cáp ngầm dưới biển được khẩn trương tiến hành. Song, do thời tiết không thuận lợi, mưa giông, biển động, nên việc tiến hành dò tìm cáp gặp rất nhiều khó khăn. Sau 2 tiếng, thợ lặn của Công ty Thái Dương đã dò tìm được cáp ngầm dưới biển và đúng như dự đoán của anh em quản lý vận hành đường dây: Sự cố do hư hỏng hộp cáp nối.

Cần một giải pháp tăng độ tin cậy

Trong ngành Điện, kiểm điểm, rút kinh nghiệm sự cố cũng giống như trong ngành Y. Kiểm điểm, rút kinh nghiệm để có kinh nghiệm xử lý những sự cố tương tự sẽ xảy ra trong tương lai, cho dù là do thiên tai. Kiểm điểm, rút kinh nghiệm để công tác khắc phục cho những sự cố sau nhanh hơn, rút ngắn nhất thời gian mất điện. 

Những gì đã làm tốt sẽ được phát huy, ví dụ như công tác truyền thông, Công ty Điện lực Quảng Ninh và Điện lực Vân Đồn đã chủ động cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin rộng rãi về tình hình thực tế khi xảy ra sự cố mất điện, thường xuyên cập nhập và cung cấp thông tin, hình ảnh quá trình khắc phục; phối hợp với huyện Cô Tô tuyên truyền đến các hộ dân và các điểm có khách du lịch về nguyên nhân gây mất điện, vì vậy mặc dù thời gian mất điện kéo dài nhưng đã nhận được sự chia sẻ của chính quyền địa phương và người dân cũng như khách du lịch trên huyện đảo Cô Tô, không có thông tin trái chiều, không để kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc ảnh hưởng đến an ninh chính trị.


Mặc dù là sự cố hỏng hộp nối cáp ngầm vượt biển trong quá trình đang vận hành xảy ra đầu tiên ở Việt Nam, nhưng do Công ty Điện lực Quảng Ninh đã lập phương án chi tiết cụ thể, sát thực tế nên quá trình thực hiện xử lý cơ bản đúng như phương án đề ra từ thời gian và các bước thực hiện. Đặc biệt, phối hợp trong công tác tìm và xử lý sự cố giữa các đơn vị trong công ty được thực hiện chặt chẽ nhịp nhàng, khoa học từ kiểm tra, vận chuyển vật tư thiết bị, giám sát an toàn, thực hiện thí nghiệm, đến đấu nối hoàn thiện để chuẩn bị đóng điện…; thực hiện tốt việc huy động tàu bè vận chuyển cho người và vật tư thiết bị ra hiện trường đảm bảo an toàn tuyệt đối trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và làm tốt công tác hậu cần cho cán bộ công nhân tham gia xử lý sự cố trên các đảo không người ở mà cán bộ công nhân phải lưu trú qua đêm… những yếu tố này đã góp phần quan trọng rút ngắn tối đa thời gian mất điện trên đảo Cô Tô.

Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh Nguyễn Thanh Tĩnh cho biết, quá trình thực hiện đúng phương án tổng thể đã lập và phương án tổ chức thi công của nhà thầu. Mặc dù làm việc trên biển có mưa, gió to, sóng lớn hầu hết công nhân đều bị say sóng nhưng với tinh thần quyết tâm, nỗ lực của tất cả các đơn vị tham gia khắc phục sự cố đều làm việc 24/24h. Mặt khác, việc thi công đã tính toán thủy triều, nên trong quá trình thi công đã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị, đảm bảo chất lượng cho hộp nối và hoàn thành cấp điện cho huyện Cô Tô vượt kế hoạch đề ra.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc Lê Minh Tuấn nói, sự cố là điều không ai mong muốn. Chi phí khắc phục sự cố bao giờ cũng cao hơn chi phí ngăn ngừa. Đối với chi phí khắc phục sự cố trên biển lại càng tốn kém từ chi phí vận chuyển, thi công đến những tổn hại lớn lao hơn đó là ý nghĩa quan trọng của việc đưa điện lưới ra huyện Cô Tô. Việc đưa điện lưới quốc gia ra Cô Tô không chỉ nhằm mục đích tạo cơ sở, động lực cho huyện đảo còn nhiều khó khăn này có sự bứt phá mạnh trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống dân sinh mà còn phục vụ cho mục tiêu đảm bảo, củng cố an ninh - quốc phòng cho vùng biển, đảo có ý nghĩa chiến lược ở Đông Bắc Tổ quốc.

Từ sự cố gây gián đoạn cung cấp điện trong thời gian dài trên đảo Cô Tô vừa qua cho thấy, để tăng cường độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo cho nhu cầu phát triển phụ tải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại 5 xã đảo huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô cần thiết xây dựng 1 đường dây 22kV mạch vòng cấp điện cho khu vực huyện Cô Tô.

Dự án đầu tư đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô mạch 1 đang vận hành có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là số vốn không nhỏ so với năng lực tài chính của một tỉnh và của một doanh nghiệp cấp 2. Vì vậy, để có đủ nguồn vốn phục vụ thi công, ngoài một phần do ngân sách tỉnh đầu tư, còn lại phần lớn trông chờ vào sự ủng hộ, tài trợ của các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản và sự cam kết của một số đơn vị, doanh nghiệp khác.

Để xây dựng mạch 2 cấp điện ra đảo Cô Tô và 5 xã đảo thuộc huyện Vân Đồn sẽ cần khoảng 500 tỷ. Đây cũng là số vốn khá lớn trong điều kiện việc thu xếp vốn từ nguồn vay ODA rất khó khăn, cần bảo lãnh Chính phủ. Trong khi đó, năm 2018, EVN không đề xuất Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho EVN và các đơn vị thuộc EVN vay vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng các công trình điện như từng đưa ra năm 2017 và các năm trước. Hiện nay, trên khu vực 5 xã đảo huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô đang có rất nhiều dự án lớn của các Tập đoàn SunGroup, FLC, Viglacera,… đang triển khai đầu tư xây dựng. Như vậy, tại sao lại không thể áp dụng cách huy động vốn như đã từng làm như mạch 1.

Dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô được khởi công vào tháng 11-2012. Tuyến đường dây nối từ Vân Đồn ra Cô Tô gần 60 km, trong đó có 25 km cáp ngầm 22 kV xuyên biển, với kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng do Tổng công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư. Trong đó, nguồn kinh phí của tỉnh Quảng Ninh và huy động xã hội hóa là hơn 880 tỷ đồng và Tổng công ty Điện lực miền Bắc là 280 tỷ. Sau gần một năm thi công, dự án hoàn thành vào tháng 10-2013.

Việc kéo điện thành công ra đảo Cô Tô đã tiếp thêm nguồn lực cho việc bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế của đất nước ở vùng biển Đông Bắc. Đây cũng là lần đầu tiên hơn 5.000 dân trên đảo được sử dụng điện lưới quốc gia.



Mai Linh