Ngoại trưởng Mỹ thăm Triều Tiên: Cụ thể hóa cam kết phi hạt nhân

Thế giới - Ngày đăng : 06:35, 09/07/2018

(HNM) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa kết thúc chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Triều Tiên, mang theo trọng trách làm rõ các cam kết của Bình Nhưỡng và đạt được nội dung chi tiết cho lộ trình phi hạt nhân hóa.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) và Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol đã có buổi làm việc tại Bình Nhưỡng.


Dù lời hứa giải giáp hạt nhân được nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hôm 12-6, song thời hạn và các bước đi cụ thể hướng tới mục tiêu trên lại chưa được xác định. Các quan chức Washington cho rằng, hai nội dung này là phép thử cần thiết nhằm xác định Bình Nhưỡng có thực sự nghiêm túc trong các cuộc đàm phán hay không. Bởi vậy, trong chuyến thăm Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo đã thể hiện lập trường kiên định về vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, không có bất kỳ sự giảm nhẹ hay nhượng bộ nào trong quan điểm của Washington về vấn đề này. Ba mục tiêu cơ bản được người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ theo đuổi là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, bảo đảm an ninh và đưa hài cốt binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) về nước.

Điểm nhấn trong chuyến công cán của nhà ngoại giao cấp cao Mỹ là buổi làm việc kéo dài gần 3 tiếng với Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên kiêm Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Kim Yong-chol, người đóng vai trò chính trong phối hợp với Ngoại trưởng M.Pompeo tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trước khi rời Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng M.Pompeo chia sẻ với báo giới rằng, các cuộc thảo luận với quan chức cấp cao Triều Tiên Kim Yong-chol tiến hành trong bầu không khí thiện chí, hiệu quả và có nhiều tiến bộ đạt được trên một số lĩnh vực, dù còn nhiều việc phải làm để đến được đích. Khác với 2 chuyến thăm trước đó, lần này nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ không có cuộc gặp mặt trực tiếp nhưng đã gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bức thư của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, trái ngược với những nhận định từ phía Mỹ, chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo rời Bình Nhưỡng, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) bất ngờ dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, bày tỏ "lấy làm tiếc" về kết quả cuộc hội đàm với nhà ngoại giao Mỹ. Bình Nhưỡng coi những đòi hỏi đơn phương về giải trừ hạt nhân của Washington đi ngược lại tinh thần của cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Bộ Ngoại giao Triều Tiên bác bỏ các yêu cầu của Mỹ và nhắc lại lời kêu gọi của Bình Nhưỡng về các biện pháp phi hạt nhân hóa "theo giai đoạn" và "đồng bộ", khẳng định đây là con đường ngắn nhất hướng tới một bán đảo Triều Tiên không còn hạt nhân.

Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh vẫn còn tồn tại mối hoài nghi về việc Bình Nhưỡng chưa sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, việc Mỹ có những động thái mang tính hối thúc là điều dễ hiểu. Phía Mỹ cũng đang thúc giục Triều Tiên báo cáo chính xác số lượng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo thuộc sở hữu của nước này. Ngay trước thềm chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, các cơ sở hạt nhân cũng như tên lửa ở Triều Tiên vẫn hoạt động bình thường và nước này dường như đang đóng một tàu ngầm mới có khả năng phóng tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa có phản ứng về thông tin trên.

Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên luôn là vấn đề phức tạp. Song, suốt những tháng vừa qua, hàng loạt động thái thiện chí đã được thực hiện như giao lưu thể thao liên Triều, xúc tiến đoàn tụ gia đình ly tán, hồi hương hài cốt binh sĩ Mỹ, thành lập nhóm công tác thảo luận chi tiết phi hạt nhân hóa... Trong đó, việc các bên ngồi vào bàn đàm phán và có những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao là bước đi mang tính tích cực, minh chứng rõ nét cho nỗ lực cụ thể hóa cam kết phi hạt nhân, hướng tới hòa bình và ổn định ở khu vực.

Minh Hiếu