Giữ gìn bản sắc tín ngưỡng thờ Mẫu
Văn hóa - Ngày đăng : 07:16, 09/07/2018
Sân khấu hóa và nỗi lo biến tướng
Tín ngưỡng thờ Mẫu đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, tới cuối năm 2016 đã có 210 đền và 892 điện thờ Mẫu, trong đó có hơn 800 điện thờ do tư nhân lập nên. Con số này được ghi nhận đang tiếp tục tăng, nhất là khi di sản được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, trong thực tế, bên cạnh những điều tích cực, nhiều yếu tố tiêu cực nảy sinh.
Thủ nhang Phủ Dầy Nguyễn Thị Huệ tại Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Ảnh: Dân trí |
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội, thanh đồng Lưu Ngọc Đức nêu: Dễ thấy nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu đang được thực hành khá tùy tiện ở nhiều nơi, điều đó khiến cho nghi thức thờ tự trong di tích bị biến dạng, tác động xấu tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Ở nhiều nơi, để hợp thức hóa việc tổ chức hầu đồng, người ta đưa những vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu vào phối thờ, làm thay đổi tính chất của di tích. Việc thực hành không đúng, trang phục, âm nhạc lai căng, hiện đại hóa làm mất đi vẻ đẹp tín ngưỡng.
Để ngăn chặn những biến dạng này, từ đầu mùa lễ hội năm 2018 Bộ VH-TT&DL đã có công văn yêu cầu chỉ tổ chức hầu đồng ở những nơi có điện thờ hoặc di tích thờ Mẫu, không tổ chức nghi lễ ở khu vực công cộng với tính chất của một loại hình dịch vụ du lịch hay hoạt động âm nhạc đường phố. Tuy nhiên, hiện tượng nêu trên vẫn tồn tại ở không ít lễ hội trên địa bàn Hà Nội, kể cả những hoạt động văn hóa cộng đồng quan trọng như Lễ hội đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm). Tình trạng sân khấu hóa nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu một cách tùy tiện trong thời gian gần đây cũng gây nên sự lo ngại trong cộng đồng, đặc biệt là về nguy cơ làm biến đổi, mai một bản sắc di sản nếu cơ quan quản lý văn hóa không phân định rạch ròi giữa hoạt động trình diễn với thực hành nghi thức.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Giáo sư Ngô Đức Thịnh nhận định: Tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống tín ngưỡng ở trình độ phát triển khác nhau, chưa có quy định, khuôn mẫu cố định. Ranh giới giữa văn hóa và mê tín trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu rất mong manh, tiềm ẩn nguy cơ biến tướng, thương mại hóa, gây tổn hại cho di sản.
Duy trì bản sắc tín ngưỡng
Để bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu, Tiến sĩ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho rằng: Bộ VH-TT&DL cần có quyết định riêng về quản lý nhà nước đối với việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, quy định rõ trách nhiệm của người đại diện cơ sở thờ Mẫu đối với việc tổ chức thực hành nghi lễ. Các tỉnh, thành phố cũng cần ban hành quy chế cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương...
Theo thanh đồng Lưu Ngọc Đức, cơ quan chức năng cần tiến hành khảo sát, lập danh sách các điểm thờ Mẫu, phân định nơi nào đủ điều kiện tổ chức nghi lễ, nơi nào không. Việc lập ra một hội đồng gồm các nhà nghiên cứu và những người thực hành di sản mẫu mực giữ vai trò thẩm định, đánh giá, giám sát công tác quản lý, thực hành di sản trong giai đoạn hiện nay cũng là điều cần thiết. Về lâu dài, cần xây dựng, phổ biến rộng rãi quy chế thực hành nghi lễ với các điều khoản liên quan tới khâu chuẩn bị, các bước thực hành cũng như trang phục, tác phong hành lễ… Quy chế có ý nghĩa tạo chuẩn mực cho việc tổ chức, thực hành nghi thức thờ Mẫu, giúp ngăn chặn biểu hiện biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi.
GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng, cuộc sống sẽ tự sàng lọc, đào thải những biểu hiện sai lệch trong thực hành nghi lễ hầu đồng. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý văn hóa và mỗi người dân, di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ dần đi vào quỹ đạo đúng, góp phần làm lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt Nam.