Chủ động thu hút nguồn lực cho phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 10/07/2018
Nhờ nhiều nỗ lực cải cách, Hà Nội đã trở thành một trung tâm lớn thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh: Bá Hoạt |
Thể hiện vị thế "đầu tàu"
Tính chung giai đoạn 2008-2017, tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố đạt hơn 2 triệu tỷ đồng; riêng năm 2017, vốn đầu tư xã hội đạt hơn 308 nghìn tỷ đồng, gấp 2,85 lần so với năm 2008. Bức tranh thu hút đầu tư của Hà Nội diễn tiến theo hướng đa dạng và dồi dào hơn, với sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài. Đơn cử, thành phố có 115 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang triển khai, hoặc chuẩn bị triển khai trong tương lai gần. Các dự án PPP ra đời nhằm tận dụng nguồn lực xã hội kết hợp tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn ngân sách còn eo hẹp. Một số công trình, dự án hoàn thành, đi vào cuộc sống đã chứng tỏ hiệu quả của cách làm này, chủ yếu thuộc các lĩnh vực phục vụ nhu cầu cộng đồng như cung cấp nước, thu gom - xử lý rác, chất thải, công trình hạ tầng, giáo dục...
Đặc biệt, phát triển doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn đạt kết quả rất tích cực. 10 năm qua, đã có hơn 177 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đầu tư 1,95 triệu tỷ đồng. Đến nay, đội ngũ doanh nghiệp Hà Nội đứng hàng đầu cả nước, với hơn 230 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, 10 năm qua, Hà Nội tập trung thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, dịch vụ tài chính - ngân hàng, du lịch, hạ tầng, bất động sản... với 19,1 tỷ USD. Đáng nói là, số vốn trên chiếm hơn 2/3 của tổng vốn đầu tư nước ngoài Hà Nội thu hút được trong 30 năm mở cửa. Bản thân những con số nói trên chứng minh cho hiệu quả thu hút nguồn lực tổng hợp của Hà Nội cũng như khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, thương mại đầu tàu của khu vực phía Bắc.
Nhờ sự nỗ lực liên tục trong thu hút đầu tư nên Thủ đô luôn giữ vững nhịp độ tăng trưởng, bảo đảm nhiều chỉ tiêu quan trọng. Tính chung, 10 năm qua, Hà Nội đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình 7,41%/năm, trong đó GDP tính theo đầu người tăng 2,3 lần, thu ngân sách trên địa bàn tăng 2,93 lần. Những thành tựu trên đã chứng minh những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước trong khi Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,2% về dân số nhưng đóng góp tới gần 16,5% GDP và hơn 19% về thu ngân sách của cả nước.
Vững bước tới tương lai
Mười năm qua, Hà Nội đã có hơn 177.000 doanh nghiệp thành lập mới. Ảnh: Mạnh Hà |
Có được sự thành công trong công cuộc hội nhập, thu hút các nguồn lực để tăng trưởng là do chính quyền các cấp và các sở, ngành đồng loạt vào cuộc kịp thời, đồng bộ với tinh thần đồng hành vì doanh nghiệp. Thông điệp chung được khẳng định là cơ quan chức năng tập trung cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư; trong đó nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và chủ động thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Từ đó, vị trí trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của thành phố được cải thiện liên tục qua từng năm tính từ năm 2012 và hiện đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước gia tăng theo thời gian, đồng thời Hà Nội được đánh giá xếp trong số những thành phố năng động hàng đầu thế giới.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế qua mạng đạt tỷ lệ 98,2%, nộp thuế điện tử đạt trên 95% trong khi việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng được rút ngắn từ 3 ngày xuống 2 ngày làm việc đối với quá trình làm việc qua mạng (tức là rút ngắn 1 ngày so với quy định của Luật Doanh nghiệp).
Tuy nhiên, chặng đường phía trước không hề dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực liên tục, bản lĩnh và trí tuệ của chính quyền, con người Hà Nội. Trước hết, Hà Nội cần tiếp tục tư duy đổi mới bên cạnh sự vận dụng có hiệu quả cơ chế đặc thù và sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp, ngành. Theo Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, đến nay vẫn còn một số “điểm nghẽn” cản trở con đường phát triển của cả nền kinh tế nói chung, Hà Nội nói riêng như việc thiếu đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là thể chế vượt trội cho Thủ đô cùng những quy định cụ thể; trong đó, cần có cơ chế hợp lý và ưu tiên để xây dựng, phát triển các trung tâm tài chính, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ...
Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Hà Nội mang đặc thù của một đô thị lớn, với chức năng và vai trò đầu mối thương mại nên rất cần tầm nhìn dài hạn; trong đó bảo đảm hài hòa quan hệ cung - cầu hàng hóa. Nói cách khác, cần tạo điều kiện và có biện pháp quản lý hữu hiệu để kết nối giữa sản xuất và phân phối. Cần làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới phân phối cũng như triển khai thực hiện quy hoạch, tránh lợi ích nhóm và những xáo trộn, bất cập về thị trường bên cạnh việc chủ động phòng, chống nạn buôn lậu, sản xuất, lưu thông hàng giả, vi phạm bản quyền... Thủ đô phải là tấm gương, đi đầu trong việc hình thành và duy trì văn minh thương mại; từ đó tạo ảnh hưởng tốt và sức lan tỏa, hấp dẫn hợp tác đầu tư, giao thoa kinh tế với đối tác trong và ngoài nước.