Bài 2: Còn nhiều việc phải làm
Kinh tế - Ngày đăng : 07:42, 10/07/2018
Giai đoạn cao điểm nắng nóng, tình trạng thiếu nước sạch vẫn tái diễn một số nơi ở khu vực đô thị; trong khi tại ngoại thành vẫn còn "vùng trắng" nước sạch. Vì thế, Hà Nội còn nhiều việc phải làm để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân Thủ đô dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn.
Công nhân Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông vận hành hệ thống cung cấp nước sạch.Ảnh: Bá Hoạt |
Đô thị vẫn còn vùng “khát”
Thời gian qua, cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu đô thị, nhà ở cao tầng, cùng với việc gia tăng nhanh dân số cơ học đã gây áp lực không nhỏ tới hạ tầng, trong đó có việc cung cấp nước sạch cho người dân.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng các nguồn nước cung cấp (nước ngầm, nước mặt sông Đà, nước mặt sông Hồng) cho TP Hà Nội hiện nay khoảng 950.000-1.000.000m3/ngày - đêm. Tuy nhiên, do lượng khách hàng tăng (6%), nên nhu cầu sử dụng nước tăng thêm khoảng 57.000m3/ngày - đêm.
Cụ thể, với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội - đơn vị cung cấp nước sạch cho địa bàn 15 quận, huyện, năm 2018 lượng khách hàng đã tăng hơn 34 nghìn hộ (từ gần 670 nghìn hộ lên 704 nghìn hộ), dẫn
đến lượng nước thiếu hụt từ 30.000 đến 60.000m3/ngày - đêm. Công ty cổ phần Viwaco - đơn vị cung cấp nước cho khu vực Tây Nam thành phố, hiện có hơn 140 nghìn khách hàng, dự kiến nhu cầu sử dụng khoảng 200.000m3/ngày - đêm, trong khi khả năng cung cấp hiện tại của đơn vị là 176.000m3/ngày - đêm. Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông năm nay cũng có thêm gần 15 nghìn khách hàng, tương đương nhu cầu sử dụng nước tăng từ 15.000 đến 20.000m3/ngày - đêm.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, mặc dù mùa hè năm nay, hệ thống cấp nước đô thị đã được bổ sung thêm khoảng 100.000m3/ngày - đêm, nhưng số lượng khách hàng không ngừng gia tăng, nên vào thời gian cao điểm mùa hè, nhu cầu sử dụng nước sạch tăng mạnh (thêm 5-10%, tương đương khối lượng nước tăng thêm khoảng 47.500-95.000m3/ngày - đêm), dẫn tới một số khu vực cuối nguồn có cốt địa hình cao vẫn còn khó khăn về nguồn cấp. Đặc biệt, khi nguồn nước sạch sông Đà chưa được bổ sung, các khu vực do Viwaco quản lý sẽ thiếu khoảng 20.000-24.000m3/ngày - đêm như: khu vực Đại Kim, Định Công, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai); Khương Trung, Khương Đình, Khương Mai, Phương Liệt (quận Thanh Xuân); Khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì); Đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2 (quận Đống Đa)…
Ngoài ra, đường ống dẫn nước từ Nhà máy Nước sông Đà - chiếm gần 1/4 sản lượng nước sạch cấp cho Hà Nội hiện nay (tương đương khoảng 230.000m3/ngày - đêm) vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao xảy ra sự cố vỡ ống. Khi đó, 100% khách hàng quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai thuộc địa bàn quản lý của Viwaco; 25-30% khách hàng thuộc Công ty Nước sạch Hà Đông và một số khách hàng thuộc Công ty Nước sạch Hà Nội tại khu vực các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình... sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, tuyến ống truyền tải nước từ Nhà máy Nước sông Đà đang được vận hành với áp lực thấp hơn so với thời gian trước đây, nên càng hạn chế khả năng cung cấp nước.
Nông thôn vẫn còn "vùng trắng" nước sạch
Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm thực hiện chương trình nước sạch nông thôn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên đến nay tỷ lệ bao phủ nước sạch về nông thôn chưa như mong muốn.
Theo khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2016 mới có khoảng 37,2% người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch (khoảng hơn 1,6 triệu người), còn lại người dân vẫn sử dụng nước từ nguồn giếng khoan tự đầu tư và nguồn nước mưa, chất lượng nước không bảo đảm, bởi nhiều nơi nhiễm sắt, asen… Từ năm 2016 trở về trước, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010, Chương trình 134, Chương trình 135,… đã có 113 công trình, các trạm cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng, phân tán rải rác tại các huyện. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các công trình này không cao. Cụ thể, chỉ có 84 công trình hoạt động ổn định (4 công trình chuyển thành trạm bơm tăng áp); các công trình còn lại hoạt động kém hiệu quả, hoặc ngừng hoạt động, hay thậm chí chuyển đổi sang các mục đích khác. Năm 2018, với nhiều dự án đang được triển khai, tỷ lệ người dân ngoại thành sử dụng nước sạch cũng mới khoảng 52%.
Điển hình như tại huyện Ba Vì, có 16 công trình cấp nước thì 7 trạm được đánh giá hoạt động không hiệu quả, 5 trạm khác đã ngừng hoạt động do hư hỏng. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, do đặc thù địa hình đồi núi, mạng lưới đường ống chịu sự ảnh hưởng lớn của các yếu tố thiên nhiên, sau một trận mưa lớn có thể gây tắc đường ống. Hơn nữa, hầu hết trạm cấp nước này được đầu tư theo Chương trình 134, 135 cho đồng bào dân tộc miền núi, không thu tiền sử dụng nước, nên không có kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa... dẫn đến xuống cấp và nhanh chóng rơi vào tình trạng hoạt động kém.
Bên cạnh đó còn phải kể đến vấn đề không đồng đều về chất lượng nước sạch ở các khu vực, với nhiều nguyên nhân: Một số trạm xử lý nước sạch chưa bảo đảm chất lượng do công nghệ xử lý đã lạc hậu; chất lượng nước nguồn suy giảm có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng… Trong khi đó, một số xã, thị trấn thuộc huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, thị xã Sơn Tây,… đã được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố, song phạm vi và lưu lượng còn hạn chế.
(Còn nữa)