Nghị định 116 “kéo” doanh số bán xe ôtô nhập khẩu giảm gần 50%
Kinh tế - Ngày đăng : 20:15, 10/07/2018
Ảnh minh họa. (Nguồn: presstv.com) |
Ngày 10-7, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) công bố doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô (cả xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu) trong tháng 6-2018 đạt 21.913 xe các loại, giảm 5% so với tháng trước.
Trong tổng doanh số bán hàng trên, doanh số của xe du lịch đạt 15.185 xe, giảm nhẹ 1%; doanh số của xe thương mại đạt 6.281 xe, giảm 8% và doanh số của xe chuyên dụng đạt 447 xe, giảm 24% so với tháng 5-2018.
Xét theo xuất xứ xe, trong khi số lượng tiêu thụ của xe sản xuất lắp ráp trong nước trong tháng 6 đạt 19.194 xe, giảm 1% thì số lượng của xe nhập khẩu nguyên chiếc tiêu thụ là 2.719 xe, giảm 24% so với tháng trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ôtô Việt Nam đạt 125.659 xe các loại, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xe ôtô du lịch tăng 6%, xe thương mại giảm 21% và xe chuyên dụng giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng xét theo xuất xứ xe, số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc tiêu thụ vẫn có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, doanh số bán hàng của xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 106.678 xe, tăng 10% trong khi xe nhập khẩu chỉ đạt 19.039 xe, giảm tới 49% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo doanh số bán hàng của các doanh nghiệp thành viên VAMA, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh số bán hàng của các thương hiệu giảm mạnh. Cụ thể, thương hiệu Lexus (Toyota) giảm 83%, Ford giảm 33%, Nissan giảm 26%, Toyota và Mercedes-Benz đều giảm 13%, GM Việt Nam (thương hiệu xe Chevrolet) giảm 9%...
Theo đánh giá của giới kinh doanh, sức tiêu thụ của thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 6 và trong 6 tháng đầu năm bị ảnh hưởng từ Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ôtô có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Trong khi đó, ở các tháng của năm 2017, hai “ông lớn” ngành ôtô Việt Nam là Toyota với mẫu Fortuner và Ford với mẫu Ranger luôn có doanh số bán hàng cao và liên tục đứng trong tốp đầu những mẫu xe cũng như thương hiệu xe bán chạy trên thị trường hằng tháng. Hiện nay nhu cầu đối với các mẫu xe này vẫn cao, nhưng không có xe để bán do liên quan đến các quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Diễn biến thị trường trong 6 tháng đầu năm cho thấy, toàn thị trường ôtô Việt Nam chỉ có Honda nhập được 4 mẫu xe (gồm CR-V, Civic, Jazz và Accord) và sau đó là GM Việt Nam cũng nhập được 2 mẫu xe Chevrolet Trailblazer và Colorado về phân phối.
Ngoại trừ Honda Việt Nam và GM Việt Nam, từ đầu năm đến nay chưa có hãng xe nào phân phối xe nhập khẩu ra thị trường do liên quan đến các yêu cầu của Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Mới đây, Toyota Việt Nam đã công bố giá bán 3 mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc là Fortuner, Hilux và Hiace, nhưng những mẫu xe này đến tháng 8 tới mới chính thức phân phối ra thị trường do còn hoàn tất các thủ tục liên quan.
Các hãng xe khác như Ford, Nissan, Mitsubishi cũng cho biết, đang nỗ lực hoàn tất các giấy tờ thủ tục theo yêu cầu của Nghị định 116/2017/NĐ-CP để đưa xe về sớm nhất nhưng đến nay vẫn chưa có mẫu xe mới nào của các hãng xuất hiện trên thị trường và nếu có cũng phải đến cuối quý 3 đầu quý 4 tới.
Do đó, nguồn cung xe ôtô từ đầu năm đến nay và từ nay đến cuối năm vẫn chủ yếu là xe được sản xuất, lắp ráp trong nước với các doanh nghiệp và thương hiệu dẫn dắt thị trường như Hyundai Thành Công, GM Việt Nam, Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) với các thương hiệu xe là Mazda, Kia, Peugeo...