Giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới đã hợp lý?

Xã hội - Ngày đăng : 07:19, 11/07/2018

(HNM) - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 15/2018/TT-BYT, quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc. Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số điểm của thông tư này cần được điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi người dân cũng như tăng khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.

Ảnh: TTXVN



Thông tư số 15/2018/TT-BYT được ban hành thay thế Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, có 6 loại giá khám bệnh được điều chỉnh giảm trung bình 17% so với mức giá có bao gồm chi phí tiền lương tại Thông tư 37. Điều chỉnh 42 loại giá ngày giường bệnh, trong đó có 7 loại tăng (cao nhất 19,5%; thấp nhất 2,8%); 2 loại giường giữ nguyên mức giá; 33 loại giường giảm giá (cao nhất là 13% và thấp nhất là 0,6%). Điều chỉnh giá 40 loại giá dịch vụ kỹ thuật, chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, X-quang, MRI, CT scanner, PET-CT; nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, phục hồi chức năng... Trong đó có 9 dịch vụ kỹ thuật bổ sung mới, 2 dịch vụ tăng giá, 29 dịch vụ điều chỉnh giảm trung bình là 25%. Bộ Y tế cũng điều chỉnh một số quy định, xác định số lần, mức giá và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể; xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở y tế; áp dụng giá và điều kiện, mức thanh toán của một số dịch vụ kỹ thuật đặc thù.

Thế nhưng, theo Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) Việt Nam, Thông tư số 15 vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, định mức kinh tế kỹ thuật chưa được khảo sát đầy đủ tại các cơ sở khám chữa bệnh, không dựa trên quy trình chuyên môn kỹ thuật, nhiều giá dịch vụ được xây dựng cao, không phù hợp với khả năng cung cấp dịch vụ y tế của hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, dẫn đến tình trạng tại nhiều bệnh viện, chi phí vật tư y tế kết cấu trong giá dịch vụ y tế lớn hơn nhiều lần so với thực tế sử dụng. Ngoài ra, đơn giá các vật tư có trong định mức kinh tế kỹ thuật lấy giá khảo sát từ các bệnh viện tuyến trung ương hoặc của một số cơ sở khám chữa bệnh, nhưng có giá chênh lệch lớn hoặc không có nguồn tham khảo... để tính giá trung bình, làm căn cứ xây dựng giá ngày giường trong toàn quốc.

Chẳng hạn, Thông tư số 15 quy định “Định mức kinh tế kỹ thuật là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh, không sử dụng làm căn cứ để thanh toán đối với từng dịch vụ khám chữa bệnh cụ thể”. Theo Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHYT, quy định này là không phù hợp, vì giá dịch vụ được xác định trên cơ sở định mức. Nếu thực hiện định mức không đúng, thì mức giá dịch vụ thanh toán cũng sẽ không đúng theo quy định; đồng thời không bảo đảm nguyên tắc tài chính trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh - BHYT, không gắn được trách nhiệm chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh, không bảo đảm công bằng và chưa tạo động lực thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, tình trạng kê thêm giường bệnh nội trú diễn ra ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh, nhiều cơ sở y tế không bảo đảm được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực y tế vẫn kê thêm quá nhiều giường bệnh để đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú, làm gia tăng chi phí giường bệnh (năm 2017 chi gần 18.000 tỷ đồng). Tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, chi phí tiền giường chiếm từ 40% đến 50% tổng chi phí điều trị. Sự mất cân đối trong thanh toán chi phí ngày giường đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Theo đề xuất của BHXH Việt Nam, để khắc phục tình trạng này, cần phải xác định mức giá theo định mức nhân lực thực tế. Trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không bảo đảm nhân lực khu lâm sàng theo định mức nhân lực do cấp có thẩm quyền quy định, thì không thể thanh toán 100% mức giá như quy định.

Vũ Khánh