Trắc trở tiến trình Brexit

Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 11/07/2018

(HNM) - Trong vòng chưa đầy 24 giờ, nội các nước Anh đã chứng kiến quyết định từ chức của hai nhân vật chủ chốt.

Đó là ông David Davis, Bộ trưởng Phụ trách vấn đề Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit và Ngoại trưởng Boris Johnson. Cuộc chia tay của hai chính khách từng có thời gian thân cận với Thủ tướng Theresa May cho thấy, tiến trình từ bỏ tư cách thành viên EU ngày một khoét sâu thêm những chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền ở xứ sở Sương mù.

Việc Anh rời khỏi EU đang gặp nhiều trắc trở do bất đồng trong nội các.


Trong cả hai bức thư gửi bà T.May giải thích lý do từ chức, ông D.Davis và B.Johnson đều tập trung vào những bất đồng quan điểm về cách thức triển khai Brexit mà nữ Thủ tướng Anh đang theo đuổi. Trong đó, hai bộ trưởng lo ngại việc nước Anh sẽ để cho EU kiểm soát phần lớn nền kinh tế nếu tiếp tục chủ trương hành động theo văn kiện đàm phán Brexit được Chính phủ Anh thông qua ngày 6-7. Văn kiện này, hay còn gọi là Sách trắng về Brexit, chủ trương duy trì nước Anh trong thị trường đơn nhất Châu Âu, đồng thời đề xuất một quan hệ đối tác về hải quan với EU dựa trên các luật lệ của khối. Theo lập luận của ông D.Davis và B.Johnson, vốn là những người ủng hộ xu hướng "Brexit cứng”, những đề xuất này sẽ cản trở nước Anh được chủ động đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước khác mà không bị Châu Âu can thiệp. Ngoài ra, việc đưa ra quá nhiều nhượng bộ cho thấy, Chính phủ của bà T.May đang muốn thực thi một Brexit hình thức, nói cách khác là muốn biến việc nước Anh rời khỏi EU “chỉ là một cách gọi tên” chứ không tôn trọng sự lựa chọn của cử tri là đưa xứ Sương mù rời hẳn EU.

Việc Anh đưa ra cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong vấn đề Brexit là điều hoàn toàn trái ngược với những gì Thủ tướng T.May theo đuổi. Từ khi lên nắm quyền vào tháng 7 năm ngoái, chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing được biết đến là người kiên định với con đường “Brexit cứng”, tức là Anh sẽ rời khỏi cả thị trường chung lẫn liên minh thuế quan Châu Âu và hạn chế người nhập cư. Để củng cố lập trường này, bà T.May kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm với hy vọng gia tăng vị thế của đảng Bảo thủ ở Quốc hội nhằm dễ dàng thông qua nhiều quyết sách trong quá trình đàm phán Brexit. Tuy nhiên, ngược lại với tính toán này, đảng Bảo thủ đã không giành thêm được ghế trong Quốc hội mà còn mất đi 12 ghế so với kỳ bầu cử trước. Kết quả trên buộc bà T.May phải xem xét lại quan điểm của mình.

Nhìn lại một năm qua, bà T.May đã mất 4 thành viên quan trọng trong nội các vì các lý do khác nhau. Cũng không ít lần những mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ Chính phủ Anh, chủ yếu liên quan đến Brexit làm lung lay chiếc ghế của nữ Thủ tướng. Sự ra đi của hai nhân vật chủ chốt trong Chính phủ là Ngoại trưởng B.Johnson và Bộ trưởng Phụ trách Brexit D.Davis thực sự đặt ra thách thức lớn đối với bà T.May kể từ khi nhậm chức tới nay. Mọi chuyện có vẻ đang theo chiều hướng giống như câu chuyện hồi tháng 11 năm ngoái, khi vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng T.May được đặt ra do bất đồng trong nội bộ đảng cầm quyền về Dự luật rút khỏi EU. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhận định cho rằng, bà T.May khó có thể vượt qua được cuộc “sát hạch” nếu như các nghị sĩ thu thập đủ 48 chữ ký để yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do số lượng các bộ trưởng ủng hộ "Brexit mềm” đang chiếm đa số trong nội các Anh.

Sự nhượng bộ của Thủ tướng T.May có thể giúp phá vỡ bế tắc trong cuộc đàm phán giữa Anh và EU. Tuy nhiên, bà lại phải đối mặt với một cửa ải khó khăn khác, đó là mục tiêu thông qua dự luật Brexit tại Hạ viện khi nhiều thành viên Chính phủ vừa từ chức sẽ về cùng một “chiến tuyến” với nhóm nghị sĩ đang hoài nghi cách thức mà Thủ tướng đưa Anh rời khỏi EU.

Quỳnh Dương