Nhận diện giá trị di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối: Đã rõ phương án bảo vệ

Văn hóa - Ngày đăng : 16:04, 11/07/2018

(HNMO) – Ngày 11-7, Sở Văn hoá và Thể thao (VH-TT) Hà Nội tổ chức toạ đàm khoa học “Đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn di chỉ khảo cổ học ở Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội”.

8 lần khai quật, khẳng định giá trị di sản

Theo PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, di chỉ Vườn Chuối có tổng diện tích khoảng 19.000m2, đến nay đã trải qua 8 lần khai quật khảo cổ. Lần khai quật đầu tiên vào năm 1969 do Viện Khảo cổ học thực hiện với diện tích 100m2. Từ năm 2001 đến năm 2014, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội tiến hành khai quật tiếp, diện tích khai quật được mở rộng, đến nay là 800m2.

Các nhà khoa học đánh giá tầm quan trọng của di chỉ Vườn Chuối - phát hiện quan trọng về đời sống của người Hà Nội cổ từ hơn 2.000 năm trước.


Kết quả 8 lần khai quật di chỉ Vườn Chuối cho thấy, ở đây có 3 giai đoạn văn hoá từ Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn.

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, trong 8 lần khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện 11 hố chôn cột, 29 mộ táng, trong đó có một mộ thuộc văn hoá Đồng Đậu, còn lại là văn hoá Đông Sơn, dấu tích bếp và lò đúc đồng... Tại các hố khai quật này, các nhà khoa học cũng tìm thấy nhiều di vật cổ bằng đá, đồng của người Việt cổ gồm: 15 vạn mảnh gốm, 50 hiện vật gốm nguyên vẹn và sứt vỡ, 200 hiện vật bằng đồng, 11 hiện vật bằng sắt, 1.000 hiện vật chất liệu gỗ; nhiều nhóm trang sức bằng vật liệu đá, đồng… Trong đó, nhiều di vật được tìm thấy nguyên vẹn hiện đã được bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội để phục vụ công tác trưng bày.

“Đây là một trong những di tích hiếm hoi của Hà Nội chứa đựng đầy đủ các tầng văn hoá cư dân sinh sống tại Hà Nội trải qua hơn 2.000 năm đến nay. Di chỉ cho thấy phần nào đời sống của người Hà Nội cổ ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, từ nghề trồng lúa nước, thủ công, đánh bắt cá”, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung đánh giá.


Những hiện vật được tìm thấy tại di chỉ Vườn Chuối (ảnh tư liệu)


Đồng quan điểm này, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam khẳng định: “Di tích khảo cổ học Vườn Chuối kéo dài từ giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên đến văn hoá Đông Sơn. Về mặt lịch sử, di tích này tương ứng với lịch sử thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương dựng nước. Do vậy, di tích khảo cổ học Vườn Chuối nếu được nghiên cứu đầy đủ, khoa học sẽ có đóng góp tốt cho việc nghiên cứu thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc”.

Dung hoà giữa bảo tồn và phát triển

Hiện nay, về quản lý đất đai, di chỉ Vườn Chuối đang thuộc Chủ đầu tư dự án Thăng Long 9. Toàn bộ diện tích 19.000m2 của di chỉ Vườn Chuối nằm trong tổng thể 170,29h để xây dựng khu đô thị Kim Chung – Di Trạch thuộc dự Thăng Long 9. Từ năm 2007 đến nay, phần diện tích này gần như để không, phía chủ đầu tư mới xây dựng một trạm trộn bê tông và từng bị người dân ở đây phản đối khi có động thái sử dụng máy ủi xâm hại di tích. Hiện nay, đơn vị này đang phải điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể để phù hợp với yêu cầu phát triển của Hà Nội. 

Theo bà Đoàn Thị Thanh Thảo, chuyên viên của Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QHKT) Hà Nội, quy hoạch điều chỉnh tổng thể khu đô thị của đơn vị này đã gửi về Sở QHKT nhưng vẫn chưa được Sở này phê duyệt do chưa có đánh giá đầy đủ về khu vực di chỉ Vườn Chuối như yêu cầu của UBND TP Hà Nội.

PGS.TS Tống Trung Tín đề xuất các biện pháp bảo tồn di chỉ Vườn Chuối.


Trước vấn đề cấp bách giữa việc bảo tồn di sản và phát triển đô thị, TP Hà Nội yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, đánh giá lại giá trị di sản một cách thận trọng, đề xuất các phương án bảo tồn. Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Tiến, trong cả hai cuộc họp gần đây liên quan đến việc đưa ra giải pháp bảo tồn di chỉ Vườn Chuối, dù Sở VH-TT Hà Nội đã gửi giấy mời nhưng không đại diện nào của chủ đầu tư dự án Thăng Long 9 có mặt.

Đánh giá về hiện trạng, khó khăn về công tác bảo vệ di sản, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, từ năm 2014 trở về trước, tình trạng trộm cổ vật là vấn nạn ở đây khi những người đào trộm hoạt động về đêm nên người dân không thể bảo vệ được di chỉ. Hiện nay, việc trộm cổ vật tuy đã giảm nhưng người dân sống tại khu vực này thường sử dụng diện tích thuộc di chỉ để trồng rau, cây ăn quả. Việc làm này cũng đặt ra vấn đề, những loại cây lâu năm nếu không được kiểm soát có thể rễ cây khi bám sâu vào đất sẽ ảnh hưởng đến các di vật phía dưới.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, việc làm cấp thiết hiện nay là Hà Nội cần tiến hành lập hồ sơ đề nghị công nhận di chỉ Vườn Chuối là di sản để có sự bảo vệ của pháp luật. Bên cạnh đó, Hà Nội cần sớm xây dựng kế hoạch để tiếp tục khai quật, đưa ra phương án bảo tồn một phần hoặc điều chỉnh quy hoạch để biến di chỉ thành một phần công viên cây xanh, giữ nguyên di chỉ trong lòng đất để thế hệ sau có điều kiện, phương tiện kỹ thuật tốt tiếp tục công tác nghiên cứu.

Ông Bùi Hữu Tiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Nhân học đề xuất, một trong những việc làm cần thiết để bảo tồn di chỉ Vườn Chuối là nên có một cuộc trưng bày các di tích, hiện vật đã được tìm thấy để chính quyền và người dân hiểu hơn về di sản, từ đó cùng chung tay bảo vệ.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, sau buổi toạ đàm, Sở VH-TT Hà Nội sẽ gửi văn bản tới UBND TP Hà Nội đề xuất các biện pháp trong việc bảo tồn di chỉ Vườn Chuối.


Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, đại diện các sở, ngành và lãnh đạo địa phương, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, Sở VH-TT Hà Nội sẽ gửi văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở QHKT, yêu cầu chủ đầu tư phải dành diện tích bảo tồn cho khu di chỉ Vườn Chuối trong điều chỉnh quy hoạch chi tiết, đồng thời có biện pháp bảo vệ hiện trạng di chỉ quan trọng này, không để người dân tự ý trồng cây làm ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ. Trong quá trình thi công dự án, ngoài diện tích bảo tồn, chủ đầu tư phải phối hợp Sở VH-TT cử cán bộ theo dõi và thu các hiện vật nếu phát hiện được trong quá trình thi công để tránh thất thoát hiện vật.

Về việc xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích Vườn Chuối, ông Trương Minh Tiến cho rằng, sau khi có quy hoạch chi tiết, chủ đầu tư bàn giao mặt bằng, Sở VH-TT Hà Nội sẽ đề nghị UBND TP Hà Nội giao chủ đầu tư phối hợp với UBND huyện Hoài Đức thực hiện xây dựng hồ sơ xếp hạng. Trước mắt, thời gian tới, Sở sẽ trình thành phố cho phép Sở tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng giá trị khảo cổ học của toàn bộ di chỉ này.

Hoàng Lân