Lo ngại không có tiếng nói chung
Thế giới - Ngày đăng : 06:31, 12/07/2018
Ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, Tổng thống Mỹ D.Trump đã chỉ trích gay gắt một số nước đồng minh. |
Diễn ra tại trụ sở mới của NATO, Hội nghị Thượng đỉnh năm nay có sự tham dự của hơn 40 người đứng đầu Chính phủ các nước (bao gồm 29 quốc gia thành viên và các đối tác), cho thấy quy mô ngày càng mở rộng của khối liên minh quân sự này. Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nước tập trung thảo luận về chi tiêu quốc phòng và đây là vấn đề mấu chốt, khiến nhiều nước lo ngại trong việc tìm được tiếng nói chung.
Ngay từ tháng 1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục công khai chỉ trích các hoạt động của NATO, với quan điểm Washington đang phải chi nhiều hơn cho quốc phòng so với các đồng minh. Trước khi lên đường tham dự hội nghị, người đứng đầu Nhà Trắng viết trên mạng xã hội Twitter, chỉ trích nhiều quốc gia thuộc NATO được Mỹ bảo vệ không chỉ không hoàn thành mức cam kết 2% mà còn chậm chi trả các khoản đóng góp. Được biết, hiện chỉ có 8 trong số 29 nước thành viên NATO hoàn thành mục tiêu dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng gồm Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan, Latvia, Estonia, Romania và Litva.
Sự thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) ở Canada khiến nhiều người không khỏi lo lắng, vì không thể đoán trước được những tuyên bố và quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ. Thực tế, ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông chủ Nhà Trắng đã gây sốc khi gọi Đức là “con tin của Nga” do lệ thuộc vào vấn đề năng lượng. Hiện nay, Đức đã có kế hoạch nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 2% vào năm 2030, nhưng lộ trình này chưa làm phía Mỹ hài lòng.
Bên cạnh vấn đề chi tiêu dành cho quốc phòng, mối quan hệ với Nga được cho là điều đang gây chia rẽ giữa các nước thành viên NATO. Mặc dù không tuyên bố công khai nhưng liên minh quân sự NATO vẫn tồn tại một hình thức để răn đe Nga.
Trong cuộc gặp với Ukraine, các lãnh đạo NATO bày tỏ sự đoàn kết với các quốc gia này, trong bối cảnh các bên cùng đối mặt với vấn đề Nga sát nhập Crimea hồi năm 2014 và xung đột tại miền Đông Ukraine. Với Georgia, các lãnh đạo NATO cũng thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc xung đột tại Tbilisi trước đây. Tuy nhiên, hai nước này có được gia nhập khối hay không vẫn là điều cần phải xem xét. Năm 2008, NATO từng hứa sẽ kết nạp chính thức cả hai nước, khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi giận, và sau đó kế hoạch này bị hoãn lại.
Đáng chú ý, vấn đề Biển Đông cũng được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị năm nay. Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Australia Christopher Pyne cho biết, Biển Đông là một trong những nơi có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất đối với lợi ích kinh tế và quốc phòng của Australia. Canberra sẽ tiếp tục thực hiện quyền quốc tế đi lại trên Biển Đông và ủng hộ kế hoạch của Philippines cùng các nước khác ở Biển Đông, ủng hộ việc Trung Quốc không được quân sự hóa Biển Đông.
Tới nay, lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump về các vấn đề chủ chốt của NATO vẫn là "ẩn số" của Hội nghị Thượng đỉnh và chỉ được công bố vào giờ chót. Các nước thành viên NATO lo ngại Mỹ có thể đưa ra các quyết định như: Chấm dứt các cuộc tập trận chung NATO, dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga, thậm chí là giảm sự đóng góp của Mỹ đối với NATO để cải thiện mối quan hệ với Nga...
Trước những bất đồng và nghi kỵ gia tăng, giới quan sát bày tỏ sự thiếu lạc quan về triển vọng của hội nghị lần này. Nhiều ý kiến cho rằng, các bên rất có thể không đưa ra được tuyên bố chung như Hội nghị Thượng đỉnh G7 vừa qua bởi sự phản đối của Mỹ.