Hà Nội tăng mức học phí: Thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục
Giáo dục - Ngày đăng : 07:04, 13/07/2018
Trước việc này, nhiều vấn đề đang được phụ huynh học sinh đặc biệt quan tâm như mức học phí mới có gây thêm khó khăn cho học sinh nghèo; số tiền tăng thêm được quản lý, sử dụng ra sao?...
Tăng học phí sẽ giúp cải tạo, mở rộng mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Ảnh: Viết Thành |
Mức thu bảo đảm an sinh
Theo Nghị quyết HĐND thành phố vừa ban hành, năm học 2018-2019, mức thu học phí của các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội sẽ tăng lên mức 155 nghìn đồng/tháng/học sinh (khu vực thành thị), 75 nghìn đồng/tháng/học sinh (khu vực nông thôn), vùng miền núi là 19 nghìn đồng/tháng/học sinh. Như vậy, so với năm học trước, mức thu học phí mới tại cơ sở giáo dục thuộc các địa bàn thành thị, nông thôn và miền núi tăng lần lượt là 45 nghìn đồng/tháng/học sinh - 20 nghìn đồng/tháng/học sinh - 5 nghìn đồng/tháng/học sinh.
Với những gia đình có từ 2 con trở lên đi học, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi thì mức tăng này đang gây không ít lo lắng. Bà Nguyễn Thị Khoa (thôn Tổ, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng) băn khoăn: "Gia đình tôi có 3 con đi học, trong đó 2 cháu học cấp THCS, cháu còn lại học cấp THPT. So với năm học trước, mức thu học phí mới với học sinh đã thêm gần 40% khiến gia đình lo lắng.
Đề cập đến lý do điều chỉnh mức học phí, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, mức thu học phí của Hà Nội đang ở mức thấp trong khung học phí theo quy định của Chính phủ. Cụ thể, mức thu học phí với học sinh ở vùng thành thị đạt gần 37%, vùng nông thôn đạt 46% và miền núi đạt 23% so với mức cao nhất trong khung học phí theo quy định của Chính phủ. So với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đồng bằng sông Hồng, mức thu học phí của Hà Nội cũng ở mức thấp. Trong khi đó, Hà Nội đang là một trong số các địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao, đứng thứ 3 của cả nước, nên việc tăng mức học phí về cơ bản không có nhiều khó khăn.
Giải tỏa mối lo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ông Nguyễn Viết Cẩn thông tin: Bên cạnh việc tăng học phí, Hà Nội tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách với mục tiêu không để bất kỳ một học sinh nào vì không có tiền đóng học phí mà phải nghỉ học. Theo thống kê sơ bộ, năm học 2018-2019, toàn thành phố có khoảng 87 nghìn học sinh được miễn, giảm học phí. Tổng kinh phí từ ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng này là 26 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với năm học 2017-2018.
Năm học 2018-2019, học phí tại các trường mầm non khu vực thành thị sẽ tăng lên mức 155 nghìn đồng/tháng/học sinh. |
Tăng nguồn lực để mở rộng trường lớp
Tìm hiểu thực tế cho thấy, việc điều chỉnh mức học phí trong thời điểm này với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội là cần thiết. Bởi hiện nay, các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số tiền thu từ học phí để chi thực hiện cải cách tiền lương, số còn lại chi phục vụ dạy, học rất hạn hẹp. Năm học trước, tổng số tiền thu từ học phí của toàn thành phố khoảng hơn 675 tỷ đồng, chiếm 8,3% tổng số chi từ ngân sách cho các nhà trường. Với mức tăng học phí mới, tổng số tiền thu được là 939 tỷ đồng (tăng 264 tỷ đồng so với năm học trước), chiếm 11,3% tổng số chi hoạt động thường xuyên của đơn vị. Điều này cho thấy, dù học phí tăng song nguồn kinh phí chi thường xuyên cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách.
"Toàn bộ kinh phí tăng thêm từ nguồn thu học phí đều được đầu tư trở lại cho các nhà trường. Mục tiêu của việc tăng học phí là nhằm tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, tạo điều kiện để thầy và trò được dạy, học trong môi trường tốt hơn. Các nhà trường không được dùng số tiền tăng thêm này để sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác" - ông Nguyễn Viết Cẩn nhấn mạnh.
Cô giáo Đặng Thị Minh Nguyệt (Trường THPT Đan Phượng, huyện Đan Phượng) cho rằng, dù nhận thức rõ chủ trương tăng học phí là để tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, song mức học phí mới với học sinh khu vực nông thôn, miền núi vẫn là một khó khăn không nhỏ. Đề nghị thành phố có chính sách đặc thù để vừa bảo đảm các điều kiện dạy học đạt mức cao hơn nhưng đồng thời thu hút được nhiều nhất học sinh tới trường. Còn cô giáo Trương Hồng Vân (Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy) đề xuất: Để chủ trương tăng học phí đạt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài việc duy trì các chính sách hỗ trợ cho học sinh thuộc diện nghèo, diện chính sách, tùy theo điều kiện cụ thể, từng nhà trường nên chủ động có giải pháp đồng hành phù hợp với những học sinh thuộc diện này, giúp các em yên tâm học tập tốt.
Theo tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong bối cảnh quy mô học sinh ngày càng tăng, hệ thống trường, lớp học còn hạn chế, kinh phí tăng thêm từ nguồn thu học phí sẽ được ưu tiên để cải tạo, mở rộng mạng lưới trường, lớp học và xây mới thay thế các phòng học cấp 4 xuống cấp, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng nhiều của học sinh.