Nhân rộng những điển hình
Kinh tế - Ngày đăng : 07:03, 13/07/2018
Chăm sóc nhãn tại xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Ảnh: Bá Hoạt |
Nhiều đổi thay
Những điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, huy động người dân chung sức xây dựng nông thôn mới... thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ngoại thành Hà Nội. Đơn cử, xã Đại Thành (huyện Quốc Oai), phát huy lợi thế đặc sản nhãn muộn, 2 năm qua địa phương này đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, xã đã chuyển đổi toàn bộ đất nông nghiệp sang trồng nhãn, diện tích hơn 165ha với sản lượng 2.000 tấn/năm, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho các hộ gia đình. Đại Thành hôm nay trở thành vùng chuyên canh nhãn muộn giá trị kinh tế cao, bởi vậy nơi đây có nhiều hộ nông dân trở thành tỷ phú.
Xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ) là điểm sáng của TP Hà Nội trong công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới. Bí thư Chi bộ thôn Nội 1, xã Tam Thuấn Trịnh Văn Thùy cho hay, sau dồn điền đổi thửa, địa phương đã vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, xã tổ chức nhiều đoàn tham quan, khảo sát thực tế các mô hình sản xuất tiêu biểu trong và ngoài thành phố. Tiếp thu kinh nghiệm, nhiều hộ gia đình ở Tam Thuấn đã có thu nhập từ 300 đến 450 triệu đồng/năm nhờ trồng rau an toàn, cây ăn quả; có hộ gia đình thu hơn 1,5 tỷ đồng/ha/vụ từ trồng hoa ly... Đến cuối năm 2016, xã Tam Thuấn đã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Sóc Sơn có xuất phát điểm rất thấp, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn như: Trình độ sản xuất không đồng đều, cơ sở vật chất yếu kém, ở một vài nơi mức độ hài lòng của người dân luôn ở mức thấp và tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh trật tự… Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi, đến nay huyện Sóc Sơn đã có 18/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã còn lại đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí. Huyện đang phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2019, sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ những cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới, đến nay TP Hà Nội là một trong những địa phương đạt kết quả cao so với các tỉnh, thành phố trên cả nước với 294 xã và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đáng nói, đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn đã được nâng cao, cải thiện rõ rệt so với trước khi xây dựng nông thôn mới.
Chia sẻ những kinh nghiệm
Ở mỗi địa phương, đơn vị, tùy theo đặc điểm đã có cách làm riêng trong xây dựng nông thôn mới để đạt kết quả cao. Bí thư Chi bộ thôn Nội 1, xã Tam Thuấn Trịnh Văn Thùy chia sẻ: Để tạo đồng thuận cao trong xây dựng nông thôn mới, Chi bộ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết của cán bộ. Theo đó, cấp ủy, chính quyền địa phương phân công cán bộ đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, giải quyết những băn khoăn, bức xúc và lắng nghe kiến nghị của nhân dân; đồng thời tổ chức nhiều buổi họp sinh hoạt vận động và giải quyết kịp thời ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân... Từ đó, huy động mọi nguồn lực, tư duy sáng tạo của người dân trong xây dựng nông thôn mới…
Nói về cách làm của địa phương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành, xã Đại Thành Đinh Văn Phích cho hay, để trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp là nhờ định hướng đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương cùng việc tranh thủ sự hỗ trợ của huyện Quốc Oai và TP Hà Nội trong áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đầu tư thâm canh, triển khai sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Không chỉ có vậy, nông dân ở địa phương này còn được hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại... Năm 2013, sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh hiệu quả và bền vững.
Từ thực tế triển khai tại cơ sở, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới của địa phương - bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố - còn phải kể đến sự nỗ lực lớn của huyện. Kinh nghiệm đó chính là sự đoàn kết cao trong Đảng bộ, có sự đánh giá khách quan, đề ra được phương thức lãnh đạo, chỉ đạo hợp lý, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc…
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đã biểu dương những kết quả nổi bật mà các địa phương đạt được. Đồng chí cho rằng, kết quả đó chính là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự đóng góp của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân ủng hộ xây dựng nông thôn mới. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đề ra.