Kiểm soát lạm phát là yêu cầu bức thiết
Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 13/07/2018
Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát. Ảnh: Hải Anh |
CPI tăng cao
Trong các tháng gần đây, CPI ngày càng lộ rõ xu hướng tăng và tăng cao hơn mức dự báo của hầu hết cơ quan chức năng. Đơn cử, CPI tháng 6 đã tăng 0,61% so với tháng trước, tức là mức cao nhất trong 7 năm qua và đánh dấu một mức tăng cao, rất đáng lo ngại.
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, có 10/11 nhóm hàng hóa có mức tăng, trong đó nguyên nhân chính gây ảnh hưởng, đẩy CPI tăng là do giá thịt lợn tăng cao sau một thời gian dài thua lỗ. Tính chung, giá thịt lợn tăng 8,12% so với tháng trước và làm tăng CPI chung với mức 0,34%. Tiếp theo, giá một số loại vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2%, chủ yếu là xi măng với mức tăng khoảng 200 nghìn đồng/tấn đã kích đẩy nhóm hàng vật liệu xây dựng, nhà ở tăng lên.
Nắng, nóng kéo theo nhu cầu sử dụng điện, nước gia tăng cũng là tác nhân gây áp lực với CPI. Tháng 6 là tháng đầu tiên của dịp nghỉ hè, khiến nhu cầu du lịch tăng vọt và đẩy giá của nhóm du lịch, dịch vụ, giải trí tăng. Đặc biệt, nhóm xăng dầu diễn biến phức tạp, với việc tăng giá 2 lần trong tháng trước đã dồn gánh nặng lên CPI tháng 6. Đây là thực tế không mong muốn, càng khó khống chế theo ý chí chủ quan của cơ quan quản lý, nhất là với giá xăng dầu - do phụ thuộc trực tiếp diễn biến giá trên thị trường quốc tế. Chưa kể, giá dịch vụ y tế và học phí cũng sẽ tăng theo lộ trình, trở thành nguyên nhân bất khả kháng, khiến CPI tăng.
Tính chung, CPI bình quân 6 tháng qua tăng tới 3,29% so với bình quân của 6 tháng đầu năm trước. Hiện tượng này hầu như chưa từng xảy ra trong cùng kỳ của các năm trước đây; gây tâm lý quan ngại và gánh nặng dồn vào nửa cuối năm nay. Trong khi đó, tình hình thị trường nhiên liệu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ẩn chứa một số nguy cơ bất ổn trong bối cảnh giá xăng dầu nhìn chung đang duy trì xu hướng tăng trong thời gian qua. Dư địa còn lại để can thiệp, điều chỉnh CPI rõ ràng là rất hạn hẹp.
Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu nói trên thì áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm là rất lớn, trong đó không loại trừ việc phải tính đến một số ảnh hưởng từ nguy cơ rủi ro do yếu tố thiên tai bất thường có thể xảy ra. Vấn đề đặt ra vẫn luôn là câu hỏi, liệu CPI có thể vượt ngưỡng 4% hay không?
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, nguy cơ tiềm ẩn "vượt ngưỡng" là hiện hữu, vì vậy cần nhận diện các vấn đề liên quan, tập trung kiểm soát lạm phát trong giới hạn đã ấn định.
Chính phủ đang chủ động chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương vào cuộc một cách đồng bộ. Cụ thể, Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ rà soát những yếu tố, vấn đề liên quan, có thể gây ảnh hưởng đến CPI như phát hiện yếu tố có thể gây tăng giá: Diễn biến trên thị trường quốc tế, dự báo về thiên tai, lộ trình tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, cán cân cung - cầu hàng hóa và dịch vụ... để tham mưu phương án giải quyết. Đặc biệt, cần xác định rõ quan điểm từ nay đến cuối năm sẽ không tăng giá điện, đẩy mạnh việc tái đàn lợn để ổn định giá thực phẩm kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm được tình hình, tránh đầu cơ, tăng giá cục bộ, gây phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng. Định kỳ sau mỗi quý, Ban Chỉ đạo điều hành giá gồm đại diện các bộ, ngành sẽ họp để trao đổi thông tin, tham mưu cho Chính phủ về khả năng kiểm soát lạm phát cũng như phương án đối phó với các vấn đề liên quan...
Tuy nhiên, việc đối phó với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới luôn là vấn đề nan giải và bị động. Hiện tại, nguồn cung dầu thô đã giảm 1 triệu thùng/ngày do tác động từ sự mâu thuẫn giữa các quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu. Đến nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt ngưỡng 70 USD/thùng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là vấn đề rất khó đối phó.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, trước thực tiễn trên cần tăng cường sử dụng hợp lý việc trích Quỹ Bình ổn xăng dầu để kìm hãm đà tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, góp phần bình ổn CPI. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để làm tốt công tác điều tiết cung - cầu hàng hóa, trong đó hoạt động tăng cường kiểm soát thị trường nhằm khống chế, giảm hoạt động buôn lậu và tiêu thụ hàng giả để bảo vệ sản xuất, cũng như thiết lập đời sống thương mại nội địa lành mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Các đơn vị cần làm tốt công tác dự báo cung - cầu, có phương án chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tăng mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành tốt việc cung - cầu thịt lợn từ nay đến hết năm. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tuyên truyền, tránh bị động, thực hành tiết kiệm và ổn định giá... |