Chưa biểu quyết tăng thuế bảo vệ môi trường
Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 13/07/2018
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình. Ảnh: quochoi.vn |
Theo tờ trình dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề nghị thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.700 đồng/lít…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường nêu trên sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%. Nhưng việc tăng thuế bảo vệ môi trường cũng sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời góp phần tăng thu ngân sách nhà nước khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm. Từ đó tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.
Chính phủ đề xuất, thời điểm có hiệu lực thi hành của nghị quyết theo thông lệ là sau 45 ngày từ khi ban hành, nhưng Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận thấy, trong bối cảnh CPI những tháng đầu năm tăng cao, chuẩn bị vào năm học mới, nhiều địa phương sẽ thực hiện lộ trình tăng học phí. Do đó, khó bảo đảm khả năng điều tiết giá cả vào cuối năm, khó đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát Quốc hội đề ra.
Phần thảo luận sau đó cũng có nhiều đại biểu băn khoăn về thời điểm, lộ trình, tác động đến CPI, hiệu ứng xã hội... Do còn có các ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết này tại phiên họp thứ 25.
* Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận về việc thực hiện một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư.
Phản ánh của một số đại biểu Quốc hội, nhà đầu tư cho thấy, đang có cách hiểu khác nhau về việc áp dụng các quy định của pháp luật về thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện Luật Đầu tư không quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng Luật Bảo vệ môi trường thì lại quy định đánh giá tác động môi trường phải thực hiện ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và trong đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư khiến các nhà đầu tư lúng túng, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chính phủ kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho chủ trương giải thích việc áp dụng pháp luật.
Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp có cách hiểu khác nhau trong việc thi hành luật mà là quy định khác nhau giữa các luật, nhưng chưa có ý kiến của tất cả các bộ, ngành liên quan. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, không có căn cứ pháp lý để thực hiện. Trường hợp cần sửa luật phải nghiên cứu kỹ các khía cạnh, vấn đề khác nhau của luật và các văn bản liên quan.