Tập trung phát triển nguồn lực con người

Giáo dục - Ngày đăng : 06:33, 14/07/2018

(HNM) - Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội vẫn giữ vững vị trí là đơn vị dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo, là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào, cuộc vận động trong toàn ngành.


(HNM) - Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội vẫn giữ vững vị trí là đơn vị dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo, là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào, cuộc vận động trong toàn ngành. Kết quả ấy có được là nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm đầu tư, phát triển mạng lưới trường, lớp và mua sắm thiết bị giảng dạy, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy dạy tốt, trò học tốt.

Mở rộng quy mô trường, lớp

Chuyển biến rõ rệt nhất trong 10 năm qua của ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô là việc tăng cường mở rộng quy mô trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học, dù số lượng học sinh ngày càng tăng. Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, quy mô trường, lớp của ngành Giáo dục - Đào tạo không ngừng mở rộng. Đến nay, toàn thành phố có 2.643 trường học với gần 1,9 triệu học sinh, tăng 434 trường và gần 650.000 học sinh so với năm 2008.

Trường Mầm non Yên Sở (huyện Hoài Đức) là một trong nhiều trường học có sự “thay da, đổi thịt”


Không chỉ được mở rộng về quy mô, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được đầu tư tốt hơn. Việc cải tạo, xây dựng, mua sắm thiết bị dạy và học ở các trường học được thực hiện đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn. Hiện tại, toàn thành phố có 1.336 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 62%, tăng 929 trường đạt chuẩn so với năm 2008. Diện mạo của các nhà trường đã có sự thay đổi rõ rệt, tạo nền tảng vững chắc cho thầy, trò thi đua dạy tốt, học tốt.

Nhờ vậy, khoảng cách về điều kiện dạy, học giữa các nhà trường ở các địa bàn dần được thu hẹp. 10 năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án xây dựng, cải tạo, tạo sự chuyển biến rõ nét về diện mạo của các nhà trường. Đã có hơn 5.500 phòng học cấp 4, phòng học tạm, phòng học nhờ của các trường mầm non và phổ thông ở khu vực các huyện được kiên cố hóa, với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng.

Trường Mầm non Yên Sở (huyện Hoài Đức) là một trong nhiều trường học có sự “thay da, đổi thịt” trong giai đoạn này và đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở cho biết: Nhà trường được xây dựng trên diện tích gần 10.000m2 với 24 phòng học, 10 phòng chức năng, các công trình ngoài trời phục vụ cho việc giáo dục, chăm sóc trẻ được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn. Nhờ vậy, các cô giáo có điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa khả năng; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng tốt hơn.

Cũng trong giai đoạn này, Hà Nội đã tập trung nguồn lực đầu tư nhiều dự án trọng điểm như: Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với kinh phí 430 tỷ đồng, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ 300 tỷ đồng, Trường Trung cấp Đa ngành Sóc Sơn 158 tỷ đồng, Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục 126 tỷ đồng... Đây là những dự án được đầu tư hiện đại, mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, là điểm nhấn của ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn được cải thiện

Mặc dù quy mô trường, lớp, học sinh ngày càng lớn, song trong 10 năm qua, chất lượng giáo dục đại trà của Hà Nội vẫn giữ ổn định, chất lượng giáo dục mũi nhọn không ngừng được cải thiện.

Với mục tiêu "nâng cao dân trí", Hà Nội đã tập trung nguồn lực duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục ở các cấp học. Năm 2013, Hà Nội đã hoàn thành phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi, về đích trước 2 năm so với thời hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; năm 2015, Hà Nội là một trong số ít tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và đang nỗ lực để hoàn thành phổ cập giáo dục trung học. Toàn thành phố hiện có 92% số người trong độ tuổi từ 18 đến 21 có trình độ trung học hoặc tương đương; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2017 của Hà Nội đạt 99,4%, trong đó có 85% số học sinh đăng ký xét tuyển đại học đạt từ mức điểm sàn 15,5 điểm trở lên.

10 năm qua, học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị thế tại các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế. Năm 2017, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Hà Nội vẫn giữ vị trí số một về số lượng và chất lượng với 146 giải, trong đó có 11 giải nhất. Tại các kỳ Olympic quốc tế, học sinh THPT Thủ đô giành 21 giải và huy chương, nổi bật ở các môn toán, vật lý, hóa học; ở cấp THCS, các em đã giành được 160 huy chương. Đáng chú ý, tại cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, học sinh Hà Nội đã đạt thành tích xuất sắc với 23 đề tài đạt giải, trong đó có 1 đề tài được chọn tham dự kỳ thi quốc tế và đã đạt giải.

Không chỉ giỏi về văn hóa, học sinh Thủ đô còn ghi dấu ấn với học sinh cả nước và bạn bè quốc tế, bởi sự tự tin trong giao tiếp, ứng xử, các hoạt động vì cộng đồng. Tỷ lệ học sinh Hà Nội xếp loại hạnh kiểm khá, tốt ngày càng tăng; số vụ bạo lực học đường giảm; ý thức của học trò với các hoạt động từ thiện, xã hội ngày càng chuyển biến. Có được điều này là bởi, từ năm 2010, các trường học của Hà Nội đã tổ chức giảng dạy cho tất cả học sinh bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội". Đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương duy nhất đã biên soạn và tổ chức giảng dạy đại trà bộ tài liệu này, được nhiều tỉnh, thành bạn đến học tập kinh nghiệm.

Những yêu cầu, đòi hỏi từ việc điều chỉnh địa giới hành chính vừa là thách thức, vừa là cơ hội để ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô và đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

(Còn nữa)

Thống Nhất