Giữ nền, xây nếp văn minh!
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:09, 15/07/2018
Nhắc lại điều này là để khẳng định, những biến động về văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử người Hà Nội nói riêng cần được nhìn nhận như là một quy luật, một chặng phải qua trên hành trình kết tinh của vùng đất. Từ đây, thẳng thắn mà không cực đoan, dũng cảm loại bỏ cái xấu mà không bi quan và đặc biệt phê phán mạnh mẽ mà không quên hành động.
Chỉ cần làm một công dân bình thường, có trách nhiệm với Thủ đô cũng đủ để nhận thấy văn hóa ứng xử ở Hà Nội có rất nhiều “vấn đề”. Đó là hành vi ứng xử tệ với môi trường, ứng xử thiếu trân trọng với con người, là thái độ “bình thường hóa” lời nói thô tục trong môi trường giáo dục, là sự thiếu trung thực trong hoạt động giao thương… Tất cả đều tác động xấu đến mọi mặt phát triển của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là đến lòng tin về một vùng đất nổi tiếng “có lịch, có lề”.
Thực tế, Hà Nội đã có những nỗ lực không nhỏ để giữ nền, xây nếp thanh lịch, văn minh trong cộng đồng. Từ những chương trình lớn của Thành ủy Hà Nội, cho đến những công trình nghiên cứu của các nhà văn hóa, các hoạt động tuyên truyền, hành động cụ thể để kéo gọi sự vào cuộc của cả cộng đồng vì mục tiêu chung này.
Tuy nhiên, xây dựng, bồi đắp văn hóa ứng xử vốn đã khó nay càng khó hơn trước những biến động chung của xã hội, của thế giới hội nhập.
Trong đó, ngoài bản lĩnh, quan trọng là phải định hình, gọi tên được đặc trưng trong xây dựng văn hóa ứng xử của Hà Nội. Sẽ không có hệ thống quy ước nào đủ bao quát nếu thiếu đi một tinh thần cốt lõi - chính là nền tảng văn hóa, chất tinh hoa và tinh thần gương mẫu của thành phố, công dân Thủ đô. Công cuộc dựng xây khó khăn này cũng cần bảo đảm cả tầm trước mắt lẫn tính lâu dài.
Thực vậy, xây dựng văn hóa ứng xử của Hà Nội trước hết phải có tính kế thừa. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra nhiều “Tục hay, lệ lạ của Thăng Long - Hà Nội” đến nay vẫn nguyên giá trị, cho ta cả lòng tin và những gợi ý thiết thực về vấn đề này. Từ đây, trong quá trình đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công chức viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội, chúng ta sẽ có thêm những phương cách huy động sự vào cuộc của các địa phương, hệ thống tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp một cách phù hợp, hiệu quả.
Hà Nội cũng cần thêm tiếng nói của những nhà nghiên cứu trong việc tiếp tục chỉ ra những mô hình văn hóa tích cực hình thành từ đời sống đô thị hiện đại (như ở các chung cư, khu đô thị mới...). Đặc biệt, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính (2008), ngoài việc xây dựng đời sống văn hóa ở những vùng “lõi” thì việc xây dựng văn hóa ở nông thôn (với gần 60% dân số đang sinh sống) thế nào, cũng cần được chỉ rõ.
Văn hóa cần thấm sâu, thiếu nền sẽ rơi vào hô hào, mất đi căn cốt. Vậy nên giáo dục nhà trường phải là ngọn lửa âm thầm nhưng mạnh mẽ tạo nền, xây nếp ứng xử cho công dân Hà Nội thế hệ mới. Biết yêu cái đẹp, yêu con người, giới trẻ sẽ tự động biết bảo vệ môi trường, cư xử tinh tế, nhân hậu hơn.
Cuối cùng, “Bức xúc không làm ta vô can” - như một cách nói, Hà Nội đặc biệt cần những hành động cụ thể của mỗi công dân, đặc biệt là tinh thần gương mẫu, tự điều chỉnh của người Thủ đô để không ngừng tạo dựng cảm hứng sống thanh lịch, văn minh cho vùng đất mà văn hóa ứng xử vốn là niềm tự hào cho cả nước.