Nâng cao chất lượng quảng bá du lịch ở các địa phương: Cú hích cần thiết
Du lịch - Ngày đăng : 07:12, 15/07/2018
Du khách tham quan làng nghề truyền thống Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Quỳnh Như |
Sách, phim và website cùng vào cuộc
Sau khi Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo được ban hành, các địa phương trên địa bàn thành phố đều chú trọng hơn đến phát triển du lịch, trong đó có khâu quảng bá. Mỗi nơi đều có cách làm phù hợp, mang tính đặc thù.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Sóc Sơn Đoàn Văn Sinh cho hay, huyện đã in và cấp phát sổ tay “Du lịch Sóc Sơn” đến du khách trong và ngoài nước; làm phim và phát sóng quảng bá trên truyền hình. Trong hai năm 2017-2018, huyện đều phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức cho các công ty lữ hành về tham quan một số điểm du lịch. Khi khảo sát những tuyến du lịch, như: Khu vực đền Sóc - Chùa Non - Học viện Phật giáo - Tượng đài Thánh Gióng - hồ Đồng Quan - phủ Thành Chương; Khu vực đền Sóc - hồ Hàm Lợn; Tuyến du lịch Khu vực đền Sóc - hồ Đồng Đò, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã không khỏi ngạc nhiên trước tiềm năng du lịch nơi đây và hứa hẹn sẽ đưa Sóc Sơn vào lịch trình tham quan Hà Nội.
Còn tại Đông Anh, theo Trưởng phòng VH-TT huyện Nguyễn Thế Mạnh, các điểm du lịch trên địa bàn huyện (khu di tích thành Cổ Loa, di tích đền Sái, khu du lịch sinh thái Smiley Ville, múa rối nước thôn Đào Thục) năm 2017 đã thu hút 220.000 lượt khách, 5 tháng đầu năm 2018 thu hút 168.000 lượt khách, trong đó có hơn 10.000 lượt khách quốc tế. Những con số trên có đóng góp không nhỏ từ khâu quảng bá du lịch. Huyện cũng tổ chức Tuần lễ du lịch huyện Đông Anh năm 2016, 2017, 2018 trong đó trưng bày giới thiệu và bán các sản phẩm làng nghề truyền thống, ẩm thực độc đáo, phát các tập gấp quảng bá du lịch huyện…; phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội xây dựng phim tư liệu “Bún đen ăn quen tìm về”, giới thiệu sản phẩm bún Mạch Tràng và làng nghề sản xuất bún truyền thống của huyện…
Đáng chú ý, nhiều quận, huyện, thị xã đã tận dụng được quảng bá hình ảnh trên trang tin điện tử chính thống của địa phương mình. Đông Anh, Sóc Sơn… đều xây dựng fanpage trên mạng xã hội Facebook để giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương tới cộng đồng mạng. Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm gây tiếng vang khi đưa vào hoạt động “Trang thông tin 360 độ" bằng tiếng Việt và tiếng Anh, với nhiều tính năng hiện đại, rất hữu ích với du khách.
Muốn quảng bá tốt phải có sản phẩm tốt
Du khách tham quan tượng đài Thánh Gióng (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Sơn Hà |
Để quảng bá "ngành công nghiệp không khói" phải có nguồn kinh phí thực hiện. Hiện nay, ngoài số ít địa phương có điều kiện thì đa số các quận, huyện, thị xã chỉ có từ 100 đến 300 triệu đồng/năm để thực hiện việc này. Tuy nhiên, đây không hẳn là khó khăn lớn nhất, bởi Sở Du lịch Hà Nội đã có kế hoạch khảo sát du lịch địa phương nhằm hỗ trợ các quận, huyện, thị xã.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh: “Để tổ chức hoạt động quảng bá du lịch ở địa phương thì kinh phí là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Bởi địa phương không thể làm tốt quảng bá nếu bỏ qua việc xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”. Với nguồn kinh phí hạn chế, hoạt động quảng bá du lịch của huyện Đông Anh sẽ phải tinh hơn để phù hợp với xu hướng chung của ngành Du lịch. Ngoài những cách làm truyền thống, huyện sẽ đẩy mạnh quảng bá trên hệ thống các website chuyên về du lịch, qua các phương tiện truyền thông, trên các trang mạng xã hội, qua các doanh nghiệp du lịch cũng như chương trình và hoạt động trải nghiệm của du khách…
Còn theo ông Đoàn Văn Sinh, huyện Sóc Sơn cũng sẽ tập trung phối hợp với các cơ quan truyền thông để quảng bá hình ảnh du lịch Sóc Sơn trong toàn quốc, phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị với các công ty lữ hành để giới thiệu quảng bá, xúc tiến du lịch. Tiềm năng du lịch của Sóc Sơn đã rõ, nhưng các điểm đến ở đây hầu như không có hoạt động để giữ chân khách; sản phẩm du lịch cũng không phong phú. Chính vì vậy, công tác quảng bá cũng gặp khó khăn vì có ít sản phẩm để giới thiệu với du khách.
Với riêng quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận đang xây dựng bản đồ du lịch Tây Hồ để phát tới khách du lịch. Ngoài ra, quận đang phối hợp với Sở Du lịch xây dựng Trung tâm giới thiệu du lịch của thành phố và quận Tây Hồ ở khu vực Vườn hoa Lý Tự Trọng. Quận Tây Hồ dù đã đưa Phố đi bộ Trịnh Công Sơn vào hoạt động, cũng như sở hữu những làng nghề nổi tiếng xôi - rượu nếp - bánh đa kê Phú Thượng, hệ thống đình, chùa ven hồ Tây... nhưng vẫn đang đợi quy hoạch chi tiết hồ Tây để xây dựng thêm nhiều sản phẩm giới thiệu tới du khách và xúc tiến quảng bá du lịch...
Như vậy, từ thực tế các địa phương cho thấy, vấn đề không hẳn là nguồn kinh phí để quảng bá còn hạn hẹp mà còn cần cả sự chủ động đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng từ chính các địa phương. Có như vậy hoạt động quảng bá cho "ngành công nghiệp không khói" mới đạt hiệu quả cao hơn.