Thể dục dụng cụ Hà Nội: Gọt giũa những hạt ngọc
Thể thao - Ngày đăng : 08:16, 15/07/2018
Cô trò đội tuyển nữ thể dục dụng cụ Hà Nội. |
Giải vô địch trẻ các nhóm tuổi Thể dục dụng cụ và Thể dục nhào lộn trên lưới quốc gia năm 2018 tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 6 vừa qua có sự tranh tài của gần 100 vận động viên của TP Hồ Chí Minh, Quân đội, Hải Phòng, Cần Thơ, đoàn Hà Nội. Trong đó, đoàn Hà Nội đã giành vị trí nhất toàn đoàn môn thể dục dụng cụ với 31 Huy chương vàng (HCV), 15 Huy chương bạc (HCB), 18 Huy chương đồng (HCĐ). Trong bảng thành tích chung đó có những gương mặt mới chỉ 11-12 tuổi, 9-10 tuổi, thậm chí là 7-8 tuổi.
Các em, người được phát hiện và đào tạo đã 5 năm, cũng có em mới chập chững theo tập chuyên nghiệp được 2-3 năm, nhưng đã đạt thành quả ban đầu, chính là nhờ sự tận tâm, "giúp các con được huấn luyện đúng quy trình, đúng hệ thống, không lỡ nhịp mà phải thật bài bản, khoa học" - như chia sẻ của huấn luyện viên Đỗ Thùy Giang, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Thể dục Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (Mỹ Đình), người trực tiếp nhận nhiệm vụ gây dựng và đào tạo lứa năng khiếu này.
Đặc thù của môn thể dục dụng cụ đòi hỏi quá trình đào tạo phải từ nhỏ, bền bỉ, lâu dài, liên tục. Không dễ thuyết phục các bậc phụ huynh chịu để các bé theo tập chuyên nghiệp, ăn, ở, tập luyện, học văn hóa ngay tại trung tâm huấn luyện. Nhưng Hà Nội có ưu thế với dàn huấn luyện viên trưởng thành từ những vận động viên chuyên nghiệp, nhiều năm ghi dấu ấn trên bảng vàng thành tích của thể dục dụng cụ Việt Nam như Nguyễn Hà Thanh, Đỗ Thị Ngân Thương, Hoàng Cường, Phạm Phước Hưng... Họ đều đã trải qua những năm tháng miệt mài khổ luyện, nên hơn ai hết, họ hiểu, thông cảm và chia sẻ với lớp đàn em kế cận.
Những Lâm Như Quỳnh, Lê Thu Thùy, Lê Thị Thanh Phượng, Phạm Trà Vy, Đào Vi Anh, Vũ Ngọc Mai... mới có được những thành tích đầu tiên ở đấu trường quốc nội, còn quá sớm để nói trước về tương lai của các em ở các đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, thành quả bước đầu của các em khẳng định quá trình làm việc nghiêm túc, đi đúng hướng, bài bản của thể thao Hà Nội. Bởi thực tế không nhiều địa phương chấp nhận đầu tư dài hạn cho môn thể thao Olympic lâu đời, nguy cơ chấn thương cao và phải rất bền bỉ mới có thể có những gương mặt thành tài như vậy.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, huấn luyện viên Đỗ Thùy Giang phân tích: "Đào tạo vận động viên thể dục dụng cụ không thể làm đại trà, mà nó như việc chúng ta phải tìm kiếm, phát hiện, chăm sóc, tạo tác những hạt ngọc tinh xảo. Phải gọt giũa, trau chuốt từng tí một. Chúng ta có thể tìm kiếm nhiều em có tố chất, năng khiếu phù hợp môn này, nhưng để thành tài còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt là nền tảng ý thức, tinh thần vượt khó của các em".
Hiện nay, các em nhỏ thuộc lứa vận động viên năng khiếu của thể dục dụng cụ Hà Nội mỗi ngày tập 2 buổi, mỗi buổi trung bình 4 tiếng. Các em được bố trí học văn hóa tại Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao Hà Nội nằm trong khuôn viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội. Cái khó nhất đối với việc tập luyện của các em trong những ngày hè là nhà tập quá nắng nóng (không điều hòa), buộc các cô phải linh hoạt bố trí lịch tập phù hợp. Cô trò đội tuyển thể dục dụng cụ nhí rất mong được đầu tư thêm về cơ sở vật chất tập luyện, dụng cụ thi đấu, hệ thống bổ trợ phục vụ kỹ lưỡng quá trình huấn luyện, như chế độ ăn uống dinh dưỡng khoa học, chăm sóc hồi phục chấn thương cho vận động viên...