Neil Armstrong và bước chân thế kỷ

Hồ sơ - Ngày đăng : 16:03, 16/07/2018

Ngày 20-7-1969, nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Armstrong đã trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng và trở về Trái đất an toàn.

(HNMO) - Phi hành gia Neil Armstrong (1930–2012) là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, sự kiện đánh dấu bước ngoặt đối với lịch sử ngành thám hiểm vũ trụ thế giới. Bước chân khổng lồ của nhân loại mà ông thực hiện sẽ được người đời sau nhớ mãi.

“Bước nhảy vĩ đại của loài người”

Ngày 16-7-1969, tại Trung tâm vũ trụ Kennedy (Florida), phi thuyền Apollo-11 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mang theo 3 nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong, Michael Collins và Edwin “Buzz” E.Aldrin rời Trái đất. Tới quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 20-7-1969, Michael Collins ở lại khoang điều khiển trên quỹ đạo còn Neil Armstrong và Edwin Aldrin đáp xuống Biển yên bình (Sea of Tranquility) trên Mặt trăng bằng khoang đổ bộ Eagle. Sự kiện này được tường thuật trực tiếp cho khoảng 600 triệu người xem trên toàn thế giới. Chỉ huy Apollo-11 Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân xuống Mặt trăng. Ông để lại câu nói bất hủ: “Đây là bước đi ngắn của một người, bước nhảy vọt của cả nhân loại”.

Huyền thoại không gian Neil Armstrong đặt chân lên Mặt trăng ngày 20-7-1969


Hai phi hành gia đã dành gần 3 giờ khám phá khung cảnh xung quanh nơi hạ cánh. Họ cắm cờ Mỹ và đặt một tấm bia có dòng chữ: “Nơi đây, những con người từ Trái đất lần đầu đặt chân lên Mặt trăng. Chúng tôi tới đây vì hòa bình của toàn nhân loại”. Sau đó chụp ảnh, tiến hành các thí nghiệm, thu thập mẫu đất đá cũng như triển khai một số thiết bị nghiên cứu khoa học. Theo Armstrong, quang cảnh trên bề mặt tinh cầu này “thật kỳ vĩ, hơn mọi trải nghiệm thị giác mà tôi từng có”. Hình ảnh các phi hành gia đi lại trên cung trăng đã đem lại sự phấn khích cho mọi người xem qua TV ở khắp nơi trên Trái đất. Ngày 24-7-1969, Apollo-11 hạ cánh an toàn xuống Thái Bình Dương kết thúc chuyến hành trình 8 ngày vĩ đại.

Người dân Mỹ ngồi trước tivi xem phi thuyền Apollo-11 đổ bộ lên Mặt trăng được truyền hình trực tiếp


Phi hành gia Neil Armstrong trở thành người hùng, một biểu tượng và là người Mỹ được ca tụng nhiều nhất trong cuộc chạy đua vũ trụ thời chiến tranh Lạnh.

Ước mơ bay cháy bỏng

Sinh ngày 5-8-1930 tại một nông trang ở Wapakoneta, phía Tây bang Ohio (Mỹ), Neil Armstrong bắt đầu bay cùng cha khi mới 6 tuổi và tỏ rõ niềm say mê nghiệp phi công. Dành dụm tiền đi làm thêm để học lái máy bay, anh có giấy phép làm phi công vào sinh nhật thứ 16 của mình.

Neil Armstrong vào học ngành cơ khí hàng không tại Đại học Purdue, sau đó đăng ký tham gia chương trình đào tạo quân nhân dự bị của hải quân Mỹ năm 1947. Anh trở thành phi công hải quân từ năm 1949, từng thực hiện 78 chuyến bay chiến đấu từ hàng không mẫu hạm USS Essex trong chiến tranh Triều Tiên. Hết chiến tranh, anh trở về Mỹ, học tiếp Đại học Purdue rồi lấy bằng thạc sĩ cùng chuyên ngành tại Đại học Nam California.

Ước mơ bay của Neil Armstrong được tiếp tục khi anh trở thành phi công thử nghiệm của Ủy ban Tư vấn hàng không quốc gia (NACA) vào năm 1955 và đã lái thử hơn 50 loại máy bay khác nhau, từ dù lượn tới phản lực, máy bay gắn động cơ tên lửa...

Trong thời gian học Đại học Purdue, anh quen biết và yêu Janet Elizabeth Shearon, cô sinh viên kinh tế ở Illinois. Họ cưới nhau tháng 1-1956 và có hai con trai Eric và Mark.

Gia đình Neil Armstrong năm 1963


Mãi đến năm 1962, Neil Armstrong mới gia nhập NASA. Trong những lần bay thử nghiệm sau đó, ít nhất 3 lần anh suýt mất mạng. Những lần thoát hiểm cho thấy Armstrong là người giàu kinh nghiệm bay và có sự điềm tĩnh siêu phàm.

Được giao nhiệm vụ chỉ huy sứ mệnh đầu tiên lên Mặt trăng, Neil Armstrong đã đặt cược cuộc sống của mình cho mục tiêu cao quý nhất của nhân loại: Khám phá cho chân lý và sự hiểu biết. Trong hành trình 195 giờ bay, anh đã khiến trái tim của hàng tỷ người trên hành tinh vỡ òa cảm xúc hạnh phúc khi đặt những bước chân đầu tiên lên một thế giới hoàn toàn khác xa với sự hiểu biết của con người.

Phi hành đoàn Apollo-11 được sự chào đón và ngợi ca khi trở về Tổ quốc


Trở thành tâm điểm của báo chí khi trở về Trái đất, phi hành đoàn nhận được sự chào đón và ngợi ca của cả thế giới, được săn đón như những người hùng. Sau đó NASA bổ nhiệm anh làm lãnh đạo phòng nghiên cứu kỹ thuật hàng không. Năm 1971, Armstrong từ bỏ NASA, trở về Ohio giảng dạy kỹ thuật hàng không tại Đại học Cincinnati vì muốn tiếp thêm niềm đam mê cho những thanh niên cũng hướng đến bầu trời như mình. Sau đó anh chuyển sang kinh doanh. Giai đoạn 1982 – 1992 anh là chủ tịch của Charlottesville, một công ty máy tính chuyên cung cấp hệ thống quản lý thông tin cho các hãng máy bay.

Người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ Valentina Tereshkova và phi hành gia Neil Armstrong tại thành phố Ngôi sao, Liên Xô tháng 6-1970


Do công việc của một phi hành gia quá bận rộn, Neil Armstrong không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Khi anh trên Mặt trăng trở về, cuộc sống gần như đảo lộn. Vợ anh, Janet, bắt đầu thấy chán ghét cuộc sống gia đình mà họ đang có. Sau nhiều năm ly thân, cuối năm 1989, Armstrong và người vợ suốt 38 năm chính thức ly hôn. Mỗi khi nhớ lại biến cố này, Armstrong luôn nói rằng: “Tôi muốn giữ cô ấy lại, nhưng trong tình thế lúc bấy giờ tôi có thể nói gì được? Hôn nhân của chúng tôi giống như một lần bay thất bại… Nếu như có thể, tôi vẫn muốn nói, tôi yêu vợ mình. Tôi rất xin lỗi, hôn nhân của tôi chính là cái giá mà tôi phải trả cho thành công của mình”… Năm 1999, Armstrong tái hôn với bà Carol Knight, người ít hơn ông 15 tuổi.

“Người hùng miễn cưỡng”

Neil Armstrong là người rất khiêm tốn và giản dị. Bản thân ông chưa bao giờ cảm thấy thoải mái với danh tiếng và không muốn trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông. Ông từ chối xuất hiện trước công chúng và cũng từ chối luôn cả những khoản thù lao kếch xù cho những lần xuất hiện đó. Từng một lần, Armstrong giải thích: “Tôi không muốn được tưởng niệm khi còn sống”.

"Huyền thoại không gian" phát biểu tại Đại học Purdue bên cạnh là bức tượng của ông


Cựu phóng viên không gian của BBC Reg Turnill kể: “Armstrong chán ngán khi được hỏi mãi câu hỏi: “Là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, ông cảm thấy thế nào?” và do đó không nhận trả lời phỏng vấn nữa. Dù vậy, có lần ông đã trả lời là: “Đó là nơi thú vị để đến. Tôi gợi ý mọi người nên làm”. Ông biết rõ vị trí mà mình mong muốn “là một kỹ sư trong đôi tất trắng, với túi đựng đồ nghề, chăm chỉ làm việc của mình mà xa lạ với thế giới bên ngoài và có đôi chút tự hào vì có được thành tựu trong nghề nghiệp”. Douglas Brinkley, nhà nghiên cứu lịch sử của Đại học Rice (Mỹ) từng phỏng vấn Armstrong nói rằng, ông có đầy đủ phẩm chất mà NASA đặt ra đối với người đầu tiên lên Mặt trăng: “Tôi nghĩ điểm đáng ngưỡng mộ nhất của Armstrong chính là thái độ lẩn tránh vinh quang. Ông ấy là vị anh hùng đích thực trong thời đại mà con người sẵn sàng làm những việc phi lý để trở nên nổi tiếng”. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với CBS năm 2005, Armstrong nói rằng ông không xứng đáng nhận được sự chú ý vì là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng, chỉ vài bước trước đồng nghiệp Aldrin. Đơn giản ông chỉ làm công việc của mình (nên có gì mà phải ầm ĩ).

Cũng có những nghi ngờ rằng, liệu các phi hành gia NASA có thực sự đặt chân lên Mặt trăng không bởi với công nghệ thời đó thì đây là điều không thể. Trả lời báo chí hồi tháng 5-2012, Armstrong nói: “Những nghi ngờ đó chưa bao giờ là mối bận tâm với tôi bởi tôi biết sẽ có ai đó bay trở lại Mặt trăng và nhặt máy quay mà tôi bỏ ở đó”. Ông cũng nói thêm rằng, nếu là một vụ dàn dựng, không thể nào tất cả 800 nghìn nhân viên của NASA tham gia dự án đó lại chịu giữ bí mật trong từng ấy năm trời.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trò chuyện với phi hành gia Neil Armstrong tại Nhà Trắng ngày 20-7-2009 nhân kỷ niệm 40 năm chuyến bay thành công của Apollo-11


Sau khi Neil Armstrong qua đời ngày 25-8-2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi ông là một trong những anh hùng vĩ đại nhất của nước Mỹ: “Ngày nay, tinh thần khám phá của Neil Armstrong vẫn sống mãi trong những con người cống hiến cuộc đời của họ cho công cuộc tìm kiếm những bí ẩn mà nhân loại chưa biết đến. Di sản này luôn được chiếu sáng từ một người đã dạy cho chúng ta sức mạnh to lớn tiềm tàng trong những bước chân bé nhỏ. Vì vậy, di sản này sẽ tồn tại mãi mãi”.

Ca ngợi Armstrong là “một người hùng miễn cưỡng”, gia đình hy vọng di sản ông để lại sẽ “khuyến khích các thanh niên lao động hăng say để biến ước mơ thành hiện thực, sẵn sàng khám phá và đẩy vỡ mọi giới hạn, sẵn sàng phục vụ quên mình vì một lý tưởng lớn hơn bản thân”.

Tro cốt của ông được hải táng ở Đại Tây Dương theo ý nguyện lúc sinh thời.

Thu Hằng