Giải pháp giảm thiệt hại từ lũ, sạt lở đất
Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 16/07/2018
Trong 20 loại hình thiên tai xuất hiện tại Việt Nam, bão, lũ, sạt lở đất… có sức tàn phá khủng khiếp nhất. Đặc biệt, loại hình lũ, sạt lở đất vẫn gây ra tổn thất lớn về người và kinh tế tại các tỉnh miền núi. Thống kê từ năm 2000 đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 300 trận lũ quét, sạt lở đất khiến 943 người chết và mất tích, tổn thất về kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng. Tính riêng trận lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra hồi cuối tháng 6 vừa qua đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại về tài sản ước tính 535 tỷ đồng.
Để tìm giải pháp hiệu quả trong giảm nhẹ rủi ro tại các tỉnh miền núi, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai vừa tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp công nghệ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất”. Tại hội thảo, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp cần tăng cường tuyên truyền để nhân dân nhận biết nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; không nên xây dựng công trình, nhà ở sát vách sườn núi dốc, gần suối, lạch nước; đồng thời, tăng cường nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai…
Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, Tập đoàn ACE Geosynthetics (Đài Loan - Trung Quốc) giới thiệu giải pháp xử lý mái dốc bằng hệ thống tường ngăn lũ bùn, đá. Công ty cổ phần Giải pháp thời tiết nông nghiệp AgriMedia chia sẻ các giải pháp hỗ trợ phòng, chống thiên tai bằng hệ thống đo mưa tự động, cảnh báo lũ từ xa bằng sóng vô tuyến. Hiệp hội Phòng chống thiên tai Nhật Bản giới thiệu giải pháp ngăn lũ bùn, đá bằng công nghệ đập thép, kết cấu hở…
Từ thực tiễn phòng, chống thiên tai của địa phương, đại diện các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái… cho rằng, đầu tư xây dựng hệ thống phòng, chống lũ, sạt lở đất cho các tỉnh miền núi là cần thiết. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư không tập trung; nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp nên khó bảo đảm đủ kinh phí xây dựng hệ thống chống sạt lở, ngăn lũ bùn, đá…
Trong khi đó, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai hiện nay mới “phủ” tới cấp huyện, chưa đến thôn, bản. Bên cạnh đó, lũ, sạt lở đất là loại hình thiên tai phân tán nên cần coi trọng công tác phòng, chống bằng lực lượng tại chỗ, cấp thôn, bản…
Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, nhờ sớm phát hiện vết nứt trên đỉnh đồi sau nhiều ngày mưa lớn, chính quyền cấp cơ sở kịp thời tổ chức di dời nhân dân đến nơi ở an toàn nên 162 nhân khẩu ở bản Sáng Tùng, xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ đã thoát nạn trong trận lũ, sạt lở đất xảy ra hồi tháng 6 vừa qua. Từ thực tế này, tỉnh Lai Châu chỉ đạo các địa phương kiện toàn cơ quan phòng, chống thiên tai; trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng tổ, đội xung kích phòng, chống thiên tai tại các thôn, bản...
Đánh giá cao các giải pháp nêu ra tại hội thảo, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN& PTNT) cho biết, trước tiên, để hạn chế thiệt hại do lũ, sạt lở đất trong mùa mưa lũ năm nay, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung xác định những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình; trang bị kỹ năng ứng phó thiên tai cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp hiệu quả, khả thi trong ứng phó với thiên tai, nhất là trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…