Cô Tô xanh… (tiếp theo và hết)

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:34, 16/07/2018

(HNM) - Chạy xuyên thị trấn Cô Tô bắt gặp những tên đường mang tên Nguyễn Công Trứ, Ký Con..., gợi nhắc chiều dài lịch sử huyện đảo, chiều sâu tinh thần giữ đảo, bám biển nơi này...

Con mắt, tầm nhìn của các bậc tiền nhân là điểm tựa là nguồn nội lực để Cô Tô hôm nay vươn lên mang theo khát vọng trở thành đô thị sinh thái biển phát triển bền vững. Trong đó, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2013, Cô Tô mới đón khoảng 40.000 khách du lịch, thì 6 tháng đầu năm nay, con số này đã là gần 140.000 lượt người, tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế tăng mạnh nhất, hơn 270%.

Cánh đồng lúa tại thị trấn Cô Tô.


Khách du lịch tăng hiển nhiên sẽ đặt ra câu chuyện phát triển du lịch sao cho không chỉ nặng về con số mà còn phải có dấu ấn và bản sắc.

Quanh thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, phương tiện đi lại chủ yếu là xe điện, xe máy. Thi thoảng mới gặp một hai chiếc xe ô tô 16 chỗ làm du lịch… 4h sáng, mất ngủ, một vị khách xuống tầng 1 của nhà nghỉ ở trung tâm thị trấn Cô Tô, ngạc nhiên thấy cửa vẫn mở, xe máy dựng đầy ngoài hè, không khóa. Ông chủ nhà nghỉ dặn không phải khóa xe, nhưng vị khách theo phản xạ “người thành phố”, hôm sau khi dựng xe gần bãi biển không những khóa cổ xe mà khóa cả khóa từ. Khóa hỏng, lại phải cầu cứu người dân.

Mà người dân thì vừa vui vẻ… chữa khóa giúp vừa cho biết: “Xe ở đây không cần khóa đâu ạ, có mất thì chỉ mất mũ bảo hiểm. Còn hy hữu mà không thấy xe thì cứ ra cầu cảng là tìm được. Xe, mũ biến mất thì cũng do ai đó vội vã mà mượn tạm đi một lúc thôi…”.

An ninh trật tự không chỉ là một nội dung trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nó còn như một chỉ số về chất lượng sống, một thứ “đặc sản” thú vị của huyện đảo này (nếu như giữ được) trên hành trình phát triển du lịch bền vững.

Tôi cũng đã mang theo từ đất liền một dự định có thể là hơi lãng mạn quá, rằng sẽ mua một tấm bưu ảnh đảo xanh gửi về đất liền cho bạn. Bưu ảnh sẽ mang tem thư và còn dấu bưu điện huyện đảo Cô Tô, vượt hàng chục hải lý về Thủ đô. Nhưng xuống chợ, ra bưu điện, vào cửa hàng tạp hóa mà không tìm được một tấm bưu ảnh nào. Cô nhân viên bưu điện rất nhiệt tình, nhưng “ở đây chúng em cũng không có bưu ảnh ạ” - cô nhẹ nhàng trả lời.

Cứ nghĩ Cô Tô có thể phát triển du lịch từ cả những điều nho nhỏ như thế, bằng sự sáng tạo và tinh thần phục vụ du khách. Giống như ở đảo Miyajima của Nhật Bản, những sản phẩm vốn rất bình thường nhưng khi được thêm dòng chữ “Miyajima” thì bỗng trở thành món đồ đầy ý nghĩa.

Niềm vui được mùa của anh Nguyễn Văn Hải, thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô.


Phát triển du lịch mạnh, thu hút khách tốt, cũng lại phải tính đến việc giữ gìn môi trường. Xây dựng “huyện đảo xanh”, giữ được cho Cô Tô vẻ hoang sơ, trong lành là mong muốn của rất nhiều du khách, cư dân. Tuy nhiên, bên cạnh những con đê chắn sóng, bến neo đậu tàu…, những con đường xuyên đồi ra biển đầy thơ mộng, sạch đẹp, thì đây đó trên những bãi biển, đặc biệt là con đường lát gạch qua rừng nguyên sinh lại vẫn xuất hiện không ít túi ni lông, vỏ hộp sữa và nhiều loại rác thải sinh hoạt khác.

Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Đồng Tiến Vương Văn Thành trầm tư: Huyện cũng có hai dự án về môi trường đấy. Đó là không sử dụng túi ni lông và phân loại rác tại nguồn. Nhưng việc bỏ tiền cấp phát giỏ, làn cho nhân dân để thay thế túi nilon cũng không phải ngày một ngày hai mà hiệu quả ngay. Rồi việc ra quân dọn vệ sinh môi trường tại khu vực công cộng, bãi biển; dọn vệ sinh môi trường tại khu vực dân cư…, về lâu dài phải làm sao để chính người dân tham gia thì mới tạo thay đổi bền vững được.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Trần Như Long chia sẻ với Báo Hànộimới: “Huyện đảo xanh” không chỉ là hình ảnh mang nhiều cảm xúc về quần đảo tiền tiêu phía Đông Bắc Tổ quốc mà thực tế chính là một nội dung được đặt ra trong Nghị quyết Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020. Xây dựng Cô Tô thành đô thị sinh thái biển có kinh tế năng động, bền vững là hướng đi rõ rồi, nhưng quan trọng hơn cả, chúng tôi cũng luôn xác định phải giữ gìn, tạo dựng nơi đây một môi trường trong lành, xã hội hài hòa, người dân ứng xử văn hóa, an ninh chính trị ổn định và đặc biệt là giữ vững chủ quyền quốc gia… Chị biết đấy, Cô Tô nhiều thuận lợi, đổi thay nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức".

Quả có vậy, qua điện thoại, một người bạn ở Cô Tô nói với tôi: “Chị vừa về thì hôm sau gió Nam lớn quá, đảo lại cấm tàu, mấy ngày rồi. Cô Tô vất vả thế đấy…”.

Tôi tự hỏi ở Cô Tô bao lâu cho đủ? Làm sao có thể đặt chân lên hết những hòn đảo, con đường, cánh rừng, bãi biển nơi đây? Nhưng thực sự thì mỗi du khách có thể sống trọn vẹn ở Cô Tô bằng cả chiều dài lịch sử huyện đảo, qua cái nhìn của nhiều văn nhân, nhà báo đi trước.

Thượng úy Nguyễn Thị Cẩm Tú, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra thăm đảo dịp này cũng chia sẻ với tôi điều đó, rằng để cảm nhận sâu sắc về một nơi ta đến, không chỉ nhìn vào hệ thống khách sạn, nhà hàng, dịch vụ…, mà còn phải nhìn vào chiều sâu lịch sử văn hóa vùng đất, vào cuộc sống sinh hoạt, ứng xử của chính người dân.

Từ cảng Cô Tô về đến cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn bằng tàu mất 1h15, trong đó có đến 30 phút sóng nhồi lên dập xuống. Chòng chành, say đến nôn nao nhưng vẫn cứ lấp lánh nụ cười thân thiện của nhiều cư dân trên huyện đảo - những người sống ở đảo và góp phần giữ đảo.

Bỗng thấy, Cô Tô xanh hơn bao giờ hết, cái màu xanh sự sống của một huyện đảo có vị trí tiền đồn trước vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Cao Hải Giang