Người tiêu dùng dễ ăn “trái đắng”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:34, 17/07/2018
"Trái đắng" từ cơ sở nhỏ đến công ty nổi tiếng
Lực lượng chức năng kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú. Ảnh: Hải Minh |
Ngày 22-6-2018, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú (Ngọc Tú Nature Beauty) tại huyện Thanh Trì bị lực lượng chức năng kiểm tra nhưng không xuất trình được giấy phép hoạt động. Hơn 3.000 sản phẩm có nguồn gốc đông y, tác dụng trị mụn, tái tạo và phục hồi da... và hàng trăm sản phẩm dạng gói, hộp đã đóng gói nhưng không nhãn… đã bị lực lượng chức năng thu giữ.
Trước đó, tháng 4-2018, Đội Quản lý thị trường số 6 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng thu giữ 21 mặt hàng với gần 10.000 sản phẩm thuốc đông y không rõ nguồn gốc tại một cơ sở ở quận Nam Từ Liêm. Còn trong tháng 1-2018, Công ty Dược mỹ phẩm Ngọc Anh (trụ sở ở huyện Hoài Đức) cũng bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ gần 10.000 sản phẩm thuốc đông y chữa các bệnh xương khớp, viêm xoang... không bảo đảm tiêu chuẩn.
Trong khi hàng loạt cơ sở bị kiểm tra, xử lý, thì trên mạng xã hội người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị dụ dỗ bởi những cơ sở đông y khác. Dù bán hàng online toàn quốc nhưng tài khoản facebook "Thuốc mọc tóc - tinh chất mọc tóc, mi, mày - Đông y gia truyền" lại từ chối chụp hình giấy phép với lý do sợ bị sao chép. Tình trạng một tài khoản facebook chuyên bán quần áo đổi thành nhà thuốc đông y gia truyền chữa các loại bệnh lang ben, hắc lào... nhiều không đếm xuể. Và hàng chục chiêu trò quảng cáo bùi tai đã khiến người tiêu dùng tình nguyện “móc túi” với niềm tin nó thực sự thần kỳ.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Lợi dụng khả năng "phát sóng" rộng rãi của mạng xã hội, từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đến công ty có tiếng đều tập trung quảng bá kinh doanh sản phẩm điều trị bệnh xương khớp, béo phì, làm đẹp, tăng cường sức khỏe... có nguồn gốc từ thuốc đông y gia truyền. Cơ sở đông y gia truyền Tiến Hạnh, với những "siêu nguyên liệu" rẻ tiền, đã hô biến thành những sản phẩm ưu việt có thể giúp tăng, giảm cân như ý. Tuy nhiên, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã phát hiện trong thuốc tăng, giảm cân hai hoạt chất là cinnarizine và sibutramine đã bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đình chỉ lưu hành từ tháng 4-2011. Tương tự, dù không giấy phép nhưng Công ty Ngọc Tú mới hoạt động 1 năm trên thị trường mà quy mô đã ở mức 246 đại lý bán hàng online trên mạng, với 5.500 khách hàng mua sản phẩm.
Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng không nên tin các cơ sở đông y đang quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. "Đã là thuốc thì cần thận trọng, vì dù thuốc đông y có lành tính nhưng nếu hàm lượng thuốc thừa hoặc thiếu so với quy định cũng gây độc hại cho người dùng", ông Nguyễn Hồng Siêm cảnh báo. Ông Siêm cho biết, để được chứng nhận là cơ sở đông y gia truyền thì cơ sở đó phải có 3 đời làm nghề đông y, được trạm y tế, chính quyền địa phương xác nhận, sau đó Sở Y tế cấp phép, cấp giấy chứng nhận lưu hành thì mới đủ điều kiện kinh doanh thuốc.
Tình trạng "vàng thau lẫn lộn" của thị trường thuốc đông y gia truyền trên mạng cũng là vấn đề làm các cơ quan chức năng đau đầu. Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 1-2018, Bộ Công Thương đã ký Quyết định 334/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ. Ngày 19-6-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg tăng cường đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh hàng dược phẩm, mỹ phẩm giả. Chỉ thị nêu rõ, tình hình buôn lậu, gian lận hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp nhưng tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, sự bùng nổ của dịch vụ internet, kinh doanh, quảng cáo trên các trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ tiếp nhận, mua bán sản phẩm dù không biết chính xác về công dụng của chúng.
Theo ông Trần Hùng, thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều công ty, cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả, thuốc giả và kiên quyết xử lý. Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh người tiêu dùng, không nên cả tin vào những lời quảng cáo qua mạng xã hội, thận trọng kiểm tra kỹ thông tin trước khi mua hàng hóa chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe cho mình.