Hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn tại miền Bắc từ nay đến ngày 20-7
Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 19/07/2018
Thời gian tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Thuyền bè của ngư dân TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) được đưa vào nơi tránh bão. Ảnh: Phùng Sắc |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên từ nay đến ngày 20-7, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa rất to, lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi cao hơn 350mm. Trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ xuất hiện đợt lũ. Biên độ lũ lên trên sông Hồng - Thái Bình cao từ 2 đến 4m… Các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét; khu vực đồng bằng, trong đó có TP Hà Nội có nguy cơ bị ngập lụt tại vùng thấp trũng…
Trước diễn biến của bão số 3, chiều 18-7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trước hết phải bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển và ven biển.
Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp tới các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, nhất là bảo đảm an toàn tàu thuyền, ứng phó với úng ngập, sạt lở đất khi mưa lớn. Trong đó, tập trung kiểm tra phương án huy động lực lượng, tổ chức sơ tán và bảo đảm an toàn dân cư khi thiên tai, phương án bảo vệ đê điều, hồ đập, công trình xung yếu, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai lớn, các địa phương có nguy cơ bị thiệt hại lớn khi xảy ra thiên tai.
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã họp khẩn bàn biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3, sau đó cử các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại các tỉnh dự báo bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3… Sau khi kiểm tra thực tế công trình phòng, chống thiên tai tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương rà soát, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu, sạt lở đất; tập trung ứng phó với ngập úng để bảo vệ cây lúa; tiếp tục theo dõi, tính toán vận hành liên hồ chứa phù hợp với diễn biến mưa lũ bảo đảm an toàn chống lũ theo quy định…
Trong ngày 18-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La đóng 1 cửa xả đáy vào hồi 11h cùng ngày…
* Tại TP Hà Nội, chiều 18-7, Chủ tịch UBND thành phố đã có Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND yêu cầu các quận, huyện, thị xã, đơn vị, doanh nghiệp thủy lợi, thoát nước, công viên cây xanh, điện lực… theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3, tình hình mưa, lũ, sự cố thiên tai trên địa bàn thành phố; kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình xây dựng, hồ đập, công trình thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, thiết bị, phương tiện, sẵn sàng xử lý các sự cố đê điều, hồ đập theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức triển khai ngay phương án phòng chống, ứng phó lũ rừng ngang, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước; kịp thời bảo vệ, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất sau bão, mưa, lũ. Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành...