Hành trình còn lắm gian nan
Đời sống - Ngày đăng : 07:06, 20/07/2018
Tạo việc làm cho người cai nghiện ma túy là cách hiệu quả để giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng. |
Số người tái hòa nhập cộng đồng còn ít
Thực tế chứng minh, bản thân người nghiện ma túy và gia đình họ tự nguyện đi cai nghiện thường đạt hiệu quả tích cực hơn so với hình thức cai nghiện bắt buộc. Vì vậy, trong những năm gần đây, các mô hình cai nghiện tự nguyện được TP Hà Nội khuyến khích phát triển, nhân rộng. Việc triển khai song song các hình thức hỗ trợ cai nghiện đã góp phần làm giảm đáng kể số người nghiện ma túy. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐ-TB&XH), số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn thành phố đã giảm từ 19.000 người năm 2013 xuống còn hơn 12.510 người vào giữa năm 2018. Số người được cai nghiện và điều trị tăng đều hằng năm. Hiện nay, hơn 80% số người nghiện đã và đang được cai nghiện, điều trị. Sau quá trình cai nghiện, nhiều người được ưu tiên vay vốn, hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm. Nhờ đó, một số người đã thoát khỏi con đường lầm lỡ để làm lại cuộc đời.
Anh Nguyễn Mạnh Hà, tổ dân phố 9, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, sau quá trình điều trị cai nghiện trở về, anh nhận được sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đoàn thể để tránh xa con đường lầm lỡ. Hiện nay, anh phụ trách lĩnh vực âm thanh tại một cơ sở giải trí ở phường Mai Dịch (Cầu Giấy) với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Cũng ở quận Cầu Giấy, sau cai nghiện, anh Lê Quang Dũng, ngõ 3, đường Phạm Văn Đồng được vay vốn ưu đãi để mở cửa hàng buôn bán nhỏ. “Thoát khỏi ma túy, cuộc đời tôi bước sang trang mới. Gia đình tôi sống vui vẻ, hạnh phúc, con cái được học hành đến nơi đến chốn”, anh Dũng chia sẻ. Trường hợp khác là anh Nguyễn Trung Tuyến, thôn Chu Quyến, xã Chu Minh (huyện Ba Vì) đã bỏ được ma túy 7 năm, tập trung làm ăn, chăm sóc gia đình.
Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, song, số người từ bỏ được ma túy trên địa bàn Hà Nội như những trường hợp nêu trên chiếm tỷ lệ rất thấp. Theo thống kê mới nhất của ngành LĐ-TB&XH, cả nước mới có khoảng 3.000 người không tái nghiện từ 3 năm trở lên, tương ứng hơn 1% số người nghiện có hồ sơ quản lý tạm thời từ bỏ được ma túy.
Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) phân tích, công tác cai nghiện nói chung, cai nghiện tự nguyện nói riêng chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, mạng lưới cơ sở hỗ trợ điều trị cai nghiện chưa hoàn thiện về vật chất, lại thiếu đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn, thiếu mô hình dạy nghề phù hợp, thiếu sự kết nối với gia đình và cộng đồng. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí nguồn kinh phí, nhân lực làm công tác phòng, chống ma túy; chưa thành lập các điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị cai nghiện. Đáng lo hơn, bản thân nhiều người nghiện và gia đình họ có tâm lý che giấu, không chủ động khai báo, không tự nguyện cai nghiện. Sau quá trình điều trị, những người từng nghiện ma túy cần có việc làm, thu nhập, có môi trường lành mạnh để tránh xa con đường lầm lỡ nhưng không phải ai cũng cảm thông, thậm chí nhiều người còn kỳ thị, xa lánh.
Cần sự quan tâm từ nhiều phía
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cai nghiện, UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản yêu cầu các ngành, địa phương quan tâm tới công tác này. Trên tinh thần đó, các cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng mạng lưới hỗ trợ cai nghiện theo hình thức kết nối trực tiếp các cơ sở cai nghiện ma túy tập trung với cộng đồng. Trong quy trình này, cán bộ, nhân viên các cơ sở cai nghiện sẽ theo dõi, đồng hành với người nghiện ma túy trước, trong và sau quá trình cai nghiện; người thân, gia đình, cộng đồng trở thành những tuyên truyền viên, giám sát viên. “Để làm được như vậy, các cơ sở cai nghiện cần có sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ về nhiều mặt của bản thân người nghiện và gia đình họ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới cơ sở cai nghiện theo mô hình hoạt động đa chức năng; đồng thời có chính sách ưu đãi nhằm thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn tham gia vào hoạt động điều trị cai nghiện”, ông Đỗ Trọng, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số V Hà Nội bày tỏ.
Các hội viên CLB B93 phường Kim Mã (quận Ba Đình) học nghề sửa chữa xe máy. Ảnh: Hải Trần |
Ở cấp cơ sở, các xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì mô hình phòng, chống ma túy tại cộng đồng. Điển hình là quận Cầu Giấy có mạng lưới Câu lạc bộ tình thân B93 phủ kín tất cả các phường. Đa số người sau cai nghiện ma túy tham gia sinh hoạt câu lạc bộ này ở quận Cầu Giấy đều có việc làm ổn định. Hình thức điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cũng đang được triển khai ở nhiều địa phương thông qua mạng lưới trạm y tế cơ sở.
Khẳng định người nghiện ma túy gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhất là những người nghiện ma túy tổng hợp, bác sĩ Nguyễn Phú Kiều, Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo kiến nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Trên thực tế, một số tổ chức hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy bằng các giải pháp tâm lý như Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), Hội Liên hiệp thanh niên quốc tế - IYF,… đã giúp nhiều người nghiện có bản lĩnh, quyết tâm cai nghiện, hòa nhập cộng đồng thành công.
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, việc đưa người cai nghiện ma túy trở về hòa nhập với cộng đồng rất cần nhận được sự quan tâm từ nhiều ngành, nhiều phía.