Đẩy mạnh nông nghiệp 4.0

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:27, 21/07/2018

(HNM) - Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, với lĩnh vực nông nghiệp, cuộc cách mạng dựa trên đặc trưng của kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, internet, di động với các cảm biến thông minh kết hợp với công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới... tạo ra nhiều sản phẩm mới, tối ưu hóa quy trình, phương thức quản trị để sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.


Thực tế cho thấy, trên thế giới, nông nghiệp thông minh đã giúp một số nước tiên tiến sản xuất đủ hoặc dư thừa một số nông sản. Ví dụ hiện nay tại Israel, tỷ lệ người dân làm nông nghiệp chỉ chiếm 2,5% tổng dân số. Năm 1995, trung bình một nông dân của nước này sản xuất chỉ nuôi được 15 người. Nhưng đến 2014, mỗi nông dân của Israel có thể nuôi được 100 người và còn xuất khẩu được hơn 3 tỷ USD nông sản mỗi năm. Tương tự, tại Nhật Bản, chỉ với 2 triệu nông dân trong tổng số 127 triệu dân, canh tác trên 1,5 triệu héc ta đất nông nghiệp nhưng nước này không nhập khẩu gạo, thậm chí dư thừa thịt bò và một số rau quả...

Với Việt Nam, nền nông nghiệp có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn lao động dồi dào so với khu vực, việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Hiện một số doanh nghiệp, địa phương bắt đầu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào các khâu sản xuất, đóng gói sản phẩm. Tuy chưa hoàn chỉnh nhưng cũng phần nào đáp ứng được xu thế tự động hóa, giúp nông dân giải phóng sức lao động. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất lúa, ngành Nông nghiệp đã áp dụng mô hình 3 giảm 3 tăng, bón phân viên, phân nhả chậm thông minh (bón 1 lần đủ dinh dưỡng cả vụ cho cây trồng), hay các mô hình tưới tiết kiệm nước gắn các cảm biến điều khiển tự động, còn gọi là những mô hình ứng phó biến đổi khí hậu, tiết kiệm được công sức và thời gian...

Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng công nghệ thông tin như các thiết bị chính xác, kết nối vạn vật (IoT), cảm biến, định vị toàn cầu, quản lý dữ liệu lớn (big data), thiết bị bay không người lái (drone), người máy (robot)…, giúp nông dân tăng thêm giá trị sản phẩm thông qua việc đưa ra được những quyết định khai thác, quản lý hiệu quả hơn. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, Việt Nam chưa thể áp dụng mô hình nông nghiệp 4.0 đầy đủ như khái niệm của các quốc gia tiên tiến. Do vậy, việc trao đổi, phân tích, chỉ ra những cơ hội, thách thức trong nâng cao năng lực tiếp cận đối với nông nghiệp thông minh; sự tương thích với năng lực và tình hình thực tế của các địa phương là hết sức cần thiết.

Để phát triển nông nghiệp thông minh ở nước ta, trước hết cần nâng cao trình độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ của nông dân; xây dựng mô hình hợp tác công tư hướng đến nông nghiệp thông minh; kết nối giữa công nghệ và doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, trong khi hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ theo khái niệm nông nghiệp 4.0 trên quy mô rộng lớn của cả nước, giá thành sản xuất nhiều mặt hàng cao hơn nhiều nước xung quanh, chúng ta nên đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ để làm chủ được các công nghệ, thiết bị nông nghiệp thông minh.

Ngoài ra, cũng cần có cơ chế đột phá về thể chế, chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nghiên cứu chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở dạy nghề, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời tạo điều kiện để công nghệ được thương mại hóa, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp nhận công nghệ, quảng bá sản phẩm công nghệ.

Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để chúng ta tận dụng để phát triển nền nông nghiệp 4.0 bền vững.

Duy Biên