Chiếm dụng đất bãi tại xã Trung Giã (Sóc Sơn): Xử lý như “đá ném ao bèo”
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:55, 21/07/2018
Một bãi tập kết, buôn bán cát trái phép tại chân cầu Đa Phúc, xã Trung Giã. |
Nghề khai thác, buôn bán cát, sỏi tại xã Trung Giã (Sóc Sơn) được hình thành từ năm 1973. Ngoài Hợp tác xã Sông Công còn có Công ty Cát, sỏi II thực hiện khai thác và buôn bán vật liệu xây dựng trên khu vực đất bãi tiếp giáp với sông Công do chính quyền xã quản lý. Do hoạt động không hiệu quả, năm 1990 hai đơn vị trên bị giải thể. Cũng từ đó, hơn 100 xã viên sau khi rời hợp tác xã đã bỏ tiền, tự đóng tàu, tiếp tục tổ chức khai thác, buôn bán cát, sỏi tại khu đất bãi thôn Sông Công. Vì hoạt động kinh doanh không tuân thủ quy định pháp luật nên vào năm 2007, việc khai thác cát trái phép ở đây đã gây sạt lở 6,5ha đất canh tác tại thôn Hòa Bình của xã. Trước tình trạng này, UBND xã Trung Giã và Công an huyện Sóc Sơn đã tổ chức lực lượng vây bắt, thu giữ hơn 30 tàu hút cát trái phép. Trước sự quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nên từ năm 2011 đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã không còn tái diễn.
Thế nhưng, do không có đất để canh tác nên sau khi bị lực lượng chức năng thu giữ tàu thuyền, một số hộ dân đã quay ra chiếm dụng các khu đất bãi tại các thôn Sông Công, An Lạc, Hòa Bình để làm điểm tập kết, buôn bán vật liệu xây dựng. Theo bản đồ địa chính của xã đo năm 1993, gần 3ha đất đang bị các hộ dân chiếm dụng làm điểm trung chuyển cát, sỏi vốn có nguồn gốc là đất chuyên dùng do chính quyền địa phương quản lý. Song, ngoài thuế kinh doanh, thuế môn bài, nhiều năm qua chính quyền địa phương không thu được một đồng nào từ việc sử dụng đất trái phép của các hộ dân. Đã thế, tình trạng tập kết vật liệu xây dựng trái quy định còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ dọc bờ sông Công vì vật liệu xây dựng chất cao như “núi” án ngữ, ngăn cản.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, hơn 100 hộ kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Trung Giã hiện chưa có giấy phép hoạt động. Trước tình hình đó, ngày 11-1-2018 UBND huyện Sóc Sơn đã có Văn bản số 71/UBND-TNMT yêu cầu xử lý dứt điểm các bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Trung Giã. Theo ông Đinh Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Trung Giã, từ tháng 2-2018 UBND xã đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng không phép trên địa bàn. Đồng thời, lập kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa các điểm tập kết vật liệu xây dựng ra khỏi khu vực hành lang thoát lũ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các hộ kinh doanh lại tái diễn vi phạm với mức độ và quy mô ngày càng lớn hơn (như trường hợp của hộ các ông, bà: Đỗ Văn Đạt, Mai Thị Lệ…). Do lực lượng mỏng, lại thiếu phương tiện hỗ trợ nên đến thời điểm này, việc xử lý các bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn chỉ như “đá ném ao bèo”, chưa giải quyết được dứt điểm.
Ngày 10-7, trở lại thôn Sông Công, phóng viên liên tục bắt gặp các đoàn sà lan từ các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang chở cát, sỏi đến bán cho các hộ dân địa phương. Thực tế trên cho thấy, việc ngăn chặn, xử lý hoạt động bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng trái phép tại xã Trung Giã chưa đạt hiệu quả mong muốn và nếu không xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm thì không biết đến bao giờ gần 3ha đất chuyên dùng của xã này mới được thu hồi và sử dụng đúng mục đích?