Kỳ 1: Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (Dự án đường vành đai 1): Đau đầu quy hoạch... treo”

Giới trẻ - Ngày đăng : 11:14, 11/04/2005

Kỳ 2: GPMB Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô:

Chỉ 2 tháng nữa là tròn 4 năm kể từ ngày UBND TP phê duyệt quy hoạch tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (6/2001). Trước đó cũng phải tới 4-5 năm, thông tin quy hoạch xây dựng mới tuyến đường "ngày nào cũng tắc" này đã râm ran suốt đầu làng, cuối xóm. Nhưng tới hiện giờ, mọi sự vẫn y nguyên dù hàng ngàn hộ dân đang ngày đêm thắc thỏm...

Bao giờ cho đến bao giờ...

Đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa thuộc Dự án đường vành đai 1 (nối đê Nguyễn Khoái theo đường Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Ô Chợ Dừa - Cầu Giấy đến Nhật Tân) nhằm giải quyết ách tắc giao thông cho các tuyến Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Ô Chợ Dừa, Khâm Thiên... và phục vụ quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội.

Đã nhiều năm phải sống trong cảnh nhà cửa chật chội, ẩm thấp, thường xuyên khó khăn trong việc đi lại vì đường hẹp, đầy ổ trâu, ổ gà nhưng luôn có hàng ngàn lượt người qua lại mỗi ngày nên hầu hết người dân ở khu vực dự án rất hồ hởi. Mặt khác, nằm trong "vùng quy hoạch", nhà cửa không được cải tạo, xây dựng nên người dân mong ngóng từng ngày dự án được triển khai để bớt khổ cực. Một cán bộ phường Phương Liên cho biết: “Có những trường hợp dân cải tạo, xây nhà không phép, chính quyền biết nhưng phải thông cảm vì điều kiện sống ở đây quá khó khăn, hầu hết là lao động nghèo. Một số khu tập thể trên tuyến đường hiện vẫn đang sử dụng hố xí công cộng (hố xí “thùng”), không người quét dọn lúc nào cũng ngập ngụa, hôi thối...

Mức giá đền bù GPMB cho dự án này, dự kiến sẽ áp dụng theo Quyết định 199 ngày 29/12/2004 của UBND TP. Cụ thể như sau:

*Giá đất ở thuộc tuyến đường La Thành (đoạn từ Khâm Thiên đến Kim Liên), mức đền bù 7,5-15 triệu đồng/m2. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp từ 3,262 - 6,525đồng/m2.

*Giá đất ở thuộc tuyến đường Nguyễn Lương Bằng (đoạn từ đầu đường đến cuối đường), mức đền bù từ 11,850 - 30triệu đồng/m2. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp từ 5,151-13,050 triệu đồng/m2.

*Giá đất ở thuộc tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ đầu đường đến cuối đường), mức đền bù từ 11,2-27 triệu đồng/m2. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp từ 4,872 -11,745 triệu đồng/m2.

Một trong những quy định khi đền bù GPMB là công khai thông tin quy hoạch nhưng ngay cả điều này chủ đầu tư là BQL các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cũng còn nhiều thiếu sót. Do đó cứ có một tin kiểu "truyền tai nhau" thì hàng ngàn người dân ở đây lại sôi sùng sục. Bao giờ, bao giờ và bao giờ là những câu hỏi được người ta nói với nhau nhiều nhất ở mọi nơi trong khu dân cư và bữa cơm của từng gia đình. Nhà ông Nguyễn Gia Thịnh ở tổ 44 dán đầy những bài báo dài, ngắn về tuyến đường Kim Liên-Ô Chợ Dừa, để rồi mỗi lần thấy “không như báo nói”, ông lại kết luận: “Chẳng biết bao giờ mới làm, thôi thì coi như không biết cho đỡ mệt!”. Ông chỉ cho xem một tờ báo đưa tin giữa tháng 2/2005 bắt đầu trả tiền đền bù đợt 1 cho 200 hộ dân. Tháng 2 rồi tháng 3 đã qua, vẫn chưa ai được nhận tiền. Sự chờ đợi của người dân lại thêm căng thẳng.

“Bà con ơi, sắp khởi công rồi!”

Một tờ báo của thành phố vừa đăng tin tuyến Kim Liên-Ô Chợ Dừa khởi công trước 30/10/2005, bà con xôn xao đem thông tin ra phường hỏi thì phường chỉ lên quận, quận bảo gặp chủ đầu tư…

Theo BQL Dự án, đến nay số hộ được khảo sát và hoàn chỉnh hồ sơ là 1.131/1.250 hộ, vẫn còn 119 hộ chưa điều tra. Trong số các hộ đã điều tra có trên 500 hộ thuộc phường Phương Liên và trên 700 hộ thuộc phường Nam Đồng. BQL Dự án và UBND quận Đống Đa hiện đang đẩy nhanh các thủ tục, hồ sơ để đầu quý II lên phương án đền bù, GPMB. BQL Dự án cũng xác nhận thông tin UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư tiến hành khởi công trước 30/10/2005. Theo ông Nguyễn Tiến Trung, Phó chủ tịch Hội đồng GPMB quận Đống Đa, toàn bộ những hộ dân trong diện giải toả lần này sẽ tái định cư ở khu 56 ha tại Nam Trung Yên. Hiện chủ đầu tư đã hợp đồng mua 500 căn hộ chung cư rộng từ 50-90m2. Mỗi gia đình tuỳ theo diện tích đất bị thu hồi đều được mua nhà tại đây với giá sàn 4 triệu đồng/m2. Dù mọi việc chi tiết và cụ thể như thế nhưng dân chưa hết thắc thỏm, có người lo lắng: “Ngay cả thời điểm khởi công nói trên là "chuẩn" nhưng nếu họ khởi công xong rồi để đấy thì chúng tôi phải đợi đến bao giờ ? Hơn ngàn hộ dân riêng khoản điều tra đã mất cả năm rồi! Phức tạp lắm! Rồi thì còn nhiều vướng mắc phát sinh, họ làm không bài bản thì tắc vẫn sẽ hoàn... tắc. Mà trước đây cũng đã từng dự kiến khởi công vào cuối năm 2002 nhưng vì vướng quy hoạch chỉ giới đường đỏ nên phải lùi. Lần này nếu không kịp tiến độ, không biết họ đưa ra lý do gì để "hợp lý hoá" cái sự chậm ấy?!”.

Kỳ 2: GPMB Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô: Có trở thành những “xóm liều” mới?

Là một trong những dự án trọng điểm của thành phố tập trung triển khai xây dựng để hoàn thành dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng đến nay, mặc dù chủ đầu tư và chính quyền cơ sở đã cố gắng nhưng dự án vẫn đang vướng ở khâu GPMB. Theo thống kê, hiện còn tới cả ngàn hộ dân phải di dời nhưng khâu đo đạc, lên phương án đền bù vẫn đang... dậm chân tại chỗ. Có người lo ngại: “Nếu không làm quyết liệt thì có thể sẽ lại tái phát những “xóm liều” mới. Thành phố bị chiếm dụng đất trái phép rồi lại phải bỏ tiền ra để đền bù đất, hỗ trợ di dời và dành một diện tích lớn nhà, đất để bố trí tái định cư.”

Theo đại diện Cty Thương mại & Đầu tư phát triển Hà Nội thuộc Sở Du lịch, đơn vị được giao làm chủ đầu tư, dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (phường Thanh Nhàn) có tổng diện tích 26,3 ha, trong đó 10,3 ha là hồ, còn lại là đất. Năm 1999, thời điểm Cty được thành phố giao thì nơi đây là một tụ điểm ma tuý mà người ta thường gọi “xóm liều”. Trong khu vực thì lầy lội, xung quanh là các hộ dân lấn chiếm đất làm lều lán kinh doanh, xây dựng trái phép. Ông Đinh Văn Khoan, Giám đốc cho biết, tới tháng 9/2001, Cty đã kết hợp với chính quyền địa phương giải toả thành công hơn 400 hộ dân tại khu vực “xóm liều” này và tiến hành làm tường rào, xây dựng tạm các hạng mục để chống tái lấn chiếm. Việc giải toả thành công “xóm liều” Thanh Nhàn được coi là một trong những “mốc son” về GPMB của thành phố nói chung và quận Hai Bà Trưng nói riêng.

Thực hiện dự án này, 1.250 tổ chức và hộ gia đình phải di chuyển để phục vụ GPMB, trong đó dự kiến có 922 hộ phải bố trí tái định cư. Hầu hết các dự án liên quan đến GPMB, vướng mắc lớn nhất là mức giá đền bù và bố trí tái định cư. Với dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, vấn đề này càng phức tạp. Đến nay, dù đã cố gắng, đơn vị chủ đầu tư và Hội đồng GPMB mới chỉ lo được 160 căn hộ phục vụ tái định cư, trong đó 50 căn xây tại Hồ Quỳnh và 110 căn do thành phố cấp tại khu đô thị Đền Lừ II. Quỹ nhà bố trí tái định cư như vậy là quá thiếu đó là chưa kể nhiều khu tái định cư còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Trao đổi với HNMTC, ông Vũ Văn Luyện, Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn cho biết, hiện Hội đồng GPMB quận Hai Bà Trưng và phường Thanh Nhàn đang tiến hành GPMB đối với hơn 80 hộ dân thuộc xóm Vạn Hoàng (thuộc giai đoạn I của công tác GPMB), lên phương án đền bù và tái định cư trình UBND quận phê duyệt 34 hộ đợt đầu để di chuyển. Ngày 5/1/2005 đã tổ chức gắp thăm nhà tái định cư cho 27/34 hộ vào khu Hồ Quỳnh nhưng chỉ có 25 hộ tham gia gắp thăm, 2 hộ vắng mặt. Trong 7 hộ còn lại thì 5 hộ được bố trí mua nhà tái định cư tại Lương Quy (Đông Anh), 2 hộ chỉ được nhận tiền đền bù. Song song với quá trình đền bù, các đơn vị liên quan đã đo đạc, lên phương án đối với 37 hộ (cũng thuộc xóm Vạn Hoàng) trình UBND quận phê duyệt để thực hiện đền bù trong thời gian sắp tới. Từ nay đến cuối năm, quận và phường tiếp tục khảo sát, đo đạc, lên phương án đền bù đối với hơn 100 hộ dân trong diện GPMB đợt II (tại tổ 63C và 63D xóm Tiền Phong cũ). UBND quận dự kiến công bố chính sách đền bù, hỗ trợ GPMB và thống nhất kế hoạch điều tra, khảo sát để hoàn thành công tác GPMB vào cuối năm nay, khi đã có quỹ nhà tái định cư tại Đền Lừ. Tuy nhiên, ngay trong quá trình thực hiện đo đạc, lên phương án đối với 37 hộ này đã có một số hộ biểu hiện chống đối. Trả lời câu hỏi : “Với gần ngàn hộ phải di dời trong các năm tới để thực hiện dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, liệu tỷ lệ các hộ chây ỳ, chống đối, khiếu kiện chiếm bao nhiêu phần trăm ? Và nếu không làm quyết liệt, liệu có tiếp tục hình thành những “xóm liều” mới?” - Ông Chủ tịch chỉ cười, mãi sau mới thổ lộ : “Cũng chưa biết là bao nhiêu nhưng chắc chắn “cuộc chiến” này còn cam go lắm !". Thực tế lực lượng cảnh sát đang phải căng sức để ngăn chặn tình trạng tái xuất hiện "xóm liều" tại đây. Và tệ nạn xã hội trong khu vực luôn "nóng" hầm hập như việc thiếu quỹ nhà tái định cư. Vậy nên không có cơ sở để kết luận, dự án xây dựng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô bao giờ chính thức hoàn thành.

HNMTC (còn nữa)

ANHTHU