Nhu cầu, ước mơ và những thôi thúc
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:56, 23/07/2018
Từ 10 năm trước, Thủ đô Hà Nội đã được mở rộng địa giới hành chính, nhưng sự gia tăng dân số cơ học trong những năm gần đây diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tạo ra những áp lực lớn đối với sự phát triển đô thị. Tình trạng đường phố ngập nước sau mưa như những ngày qua, hay nạn ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, vấn đề ô nhiễm môi trường… sẽ ngày càng thêm trầm trọng nếu quy hoạch, chính sách không theo kịp. Thực tế này đang thôi thúc những kế hoạch tăng trưởng bằng các giải pháp sáng tạo và bền vững.
Đối với Hà Nội, mặc dù còn chưa được như mong muốn, nhưng với khát vọng xây dựng đô thị lý tưởng cho người dân, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ gìn môi trường lành mạnh, trên cơ sở Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, thành phố đã thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược: Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.
Tất nhiên, để hóa giải những áp lực từ sự tăng dân số cơ học đối với thành phố không phải là việc có thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Khó khăn vẫn hiện hữu khi dân số ngày càng tăng nhanh, tình trạng ùn tắc chưa được cải thiện, mặc dù thành phố đã có nhiều phương án tháo gỡ như thúc đẩy kế hoạch thực hiện các hệ thống giao thông hiện đại, quy hoạch, kiểm soát gia tăng phương tiện… Cùng với đó là hạ tầng trường học, bệnh viện, chợ, khu vui chơi giải trí được gia tăng đáng kể. Để tiến gần tới mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng. Tiếp đến là đẩy nhanh xây dựng các thành phố vệ tinh hiện đại ở khu vực ngoại thành, có đầy đủ trường học, bệnh viện, siêu thị, các khu vui chơi giải trí, các phương tiện sinh hoạt khác nhằm kéo dãn dân cư vùng đô thị lõi đến sinh sống.
Ngoài ra, để hạn chế những tác động tiêu cực từ việc di cư tự do, nên nghiên cứu thành lập các trung tâm hỗ trợ việc làm cho người di dân. Đây là một giải pháp nhằm tạo điều kiện giúp họ tìm kiếm việc làm, cũng như tăng cường quản lý người di dân vào làm việc tại Hà Nội; đồng thời từng bước hình thành nên thị trường lao động phù hợp giúp nhà quản lý thực hiện tốt chức năng của mình.
Có thể nói, từ nhu cầu của người dân, đến ước mơ phát triển một thành phố văn minh đang đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển đô thị Hà Nội. Dĩ nhiên, để hoàn thành mục tiêu ấy, cần có sự cộng đồng trách nhiệm của người dân và sự chia sẻ của các tỉnh, thành phố lân cận nhằm kiểm soát tình trạng lao động di cư tự do đến Thủ đô.