Tư duy phải theo kịp chính sách

Công nghệ - Ngày đăng : 06:46, 24/07/2018

(HNM) - Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi được ban hành đã 5 năm với nhiều nội dung phù hợp với kinh tế thị trường và tiếp cận với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đặc biệt là tư duy của một số tổ chức, cá nhân phải theo kịp được chính sách đã đề ra.

Các mô hình nghiên cứu - phát triển hiện chưa có nhiều ở doanh nghiệp.


Chưa đủ chế tài

Nhân dịp 5 năm Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi được ban hành (năm 2013), Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: Sau 5 năm được áp dụng, có thể thấy rất rõ tác động của luật đối với đời sống xã hội cùng với việc ban hành gần như toàn bộ các văn bản hướng dẫn luật. Tác động của Luật Khoa học và Công nghệ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng được biểu hiện bằng sự tiến bộ trong xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đối với khoa học - công nghệ Việt Nam thông qua Chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo. Năm 2013, khi luật mới được xây dựng, xếp hạng về Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất thấp, chỉ đứng thứ 71/143 quốc gia, thì năm 2017 đứng thứ 47/141 quốc gia. Đặc biệt, trong báo cáo năm 2018, chúng ta tiếp tục cải thiện thứ hạng, tăng 2 bậc so với năm 2017, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có vị trí cao như vậy. Sự đầu tư của doanh nghiệp và xã hội trong lĩnh vực khoa học - công nghệ cũng tăng rất nhanh trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, một số nội dung quan trọng của Luật Khoa học và Công nghệ vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới phương thức đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính.

Tiến sĩ Nguyễn Quân phân tích: Đầu tư cho khoa học - công nghệ là bài toán rất nan giải. Trong giai đoạn kinh tế tập trung bao cấp, gần như 100% kinh phí dành cho hoạt động khoa học - công nghệ đều do ngân sách nhà nước bảo đảm. Từ năm 2000, Quốc hội đã quyết dành cho khoa học - công nghệ 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để có đủ nguồn lực phát triển, ngành vẫn tìm mọi cách huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho khoa học - công nghệ. Trên thế giới, nguồn đầu tư từ xã hội, từ doanh nghiệp cho khoa học - công nghệ thường lớn gấp nhiều lần từ ngân sách nhà nước.

Tại Việt Nam, mặc dù đã có Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, song khi đưa vào thực tế, người thực hiện vẫn phải làm theo các văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ, luật cho phép doanh nghiệp dành tối đa 10% lợi nhuận trước thuế đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đa số là vừa và nhỏ, nguồn thu không đáng kể. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu cấp thiết phải đổi mới. Có thể vì sản phẩm của họ đang bán chạy nên không cần thiết phải đổi mới công nghệ liên tục. Nguyên nhân của những bất cập nói trên, là do việc tuyên truyền còn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp thậm chí chưa biết là phải dành một phần lợi nhuận cho khoa học - công nghệ. Nhiều doanh nghiệp nhà nước, bộ, địa phương chưa lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ, nhưng Nhà nước vẫn chưa có chế tài để xử lý.

Vấn đề tiếp theo là thủ tục thanh quyết toán dành cho khoa học - công nghệ đối với doanh nghiệp còn rất phức tạp. 100% số tiền đó vẫn được sử dụng và thanh quyết toán như tiền ngân sách nhà nước, tức là phải có hóa đơn, tổ chức đấu thầu, chi tiêu theo định mức… rất phiền hà. Với nhiều thủ tục phức tạp như vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đóng thuế rồi sử dụng phần lớn số tiền còn lại theo ý muốn sẽ tốt hơn là dành tiền đó đầu tư cho khoa học - công nghệ.

Để đưa chính sách vào cuộc sống...

Liên quan tới cơ chế tài chính đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học cũng phàn nàn về thủ tục thanh quyết toán, mặc dù theo hướng dẫn của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ, những vướng mắc trong thủ tục tài chính đã được tháo gỡ phần nào. Với những nhiệm vụ không được khoán chi toàn phần, các bộ liên quan đã thống nhất cho phép khoán chi một số nội dung khó bị lạm dụng trong thanh quyết toán. Còn đối với những nhiệm vụ được khoán chi toàn bộ, khi thanh quyết toán chỉ cần có biên bản của hội đồng đánh giá nghiệm thu, trong đó xác nhận sản phẩm bàn giao đúng với đơn đặt hàng, kèm theo đó là bản kê nội dung chi tiêu có xác nhận của cơ quan chủ nhiệm đề tài. Các hóa đơn, chứng từ còn lại chỉ lưu giữ tại nơi thực hiện dự án, đề phòng sau này khi có khiếu nại tố cáo, thanh tra, kiểm tra thì đưa ra để chứng minh.

Tuy nhiên, trong thực tế, như ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho biết, khi thực hiện thanh quyết toán, kho bạc vẫn ứng xử với các nhiệm vụ khoán chi toàn bộ theo cách thông thường, tức là phải đủ hóa đơn, chứng từ. Đây là bất cập mang tính hệ thống, “chính sách thì có chuyển nhưng tư duy chưa chuyển”. Sau khi cơ chế về khoán chi ra đời, chúng ta đang gặp phải tình trạng thiếu đồng bộ trong triển khai các thông tư. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất toàn bộ ngành dọc với hệ thống kho bạc và các hệ thống khác như thuế, kiểm toán… về cơ chế khoán chi.

"Để có một “y lệnh” thống nhất từ trên xuống dưới thì cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan. Đây là một kinh nghiệm cần rút ra bài học để đưa chính sách vào cuộc sống", ông Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Mai Hà