Hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc
Giao thông - Ngày đăng : 07:11, 24/07/2018
Cầu Vĩnh Tuy, một trong những cây cầu lớn hoàn thành sau khi Hà Nội được điều chỉnh địa giới hành chính. Ảnh: Văn Tuyến |
Từng bước kết nối đồng bộ
Ngay từ khi bắt đầu điều chỉnh địa giới hành chính, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã sớm nhận diện những khó khăn về cơ sở hạ tầng. Theo đó, các địa phương mới hợp nhất về Thủ đô đều là vùng giáp ranh, hệ thống hạ tầng giao thông - vận tải dù đã có sự gắn kết nhất định, song do chính sách đầu tư và cơ chế quản lý khác nhau, dẫn đến thiếu sự đồng bộ về quy mô, đặc biệt là rất thiếu những cây cầu vượt sông...
Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, trước những bất cập này, Sở đã chủ động tham mưu với UBND thành phố cho phép lập lại quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được duyệt và các đồ án đang thực hiện, nhằm kết nối đồng bộ hạ tầng giữa các địa phương sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. Đến nay, đồ án quy hoạch phát triển giao thông - vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, thành phố đã xây dựng và ban hành hàng loạt nghị quyết, đề án và tập trung đầu tư.
Đánh giá chung cho thấy, 10 năm qua, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước kết nối đồng bộ giữa các khu vực, địa phương với nhau. Kết quả đó được thể hiện bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng khoảng 0,28% diện tích đất đô thị/năm. Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã hoàn thành được 223km đường mới; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và hoàn thành 3 cầu lớn (cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh); hoàn thành cải tạo 12 cầu yếu tại các huyện; hoàn thành 9 cầu vượt nhẹ tại các nút giao trọng điểm và xây dựng mới 33 cầu cho người đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới, 68 hầm chui dân sinh...
Cùng với đó, TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Bộ Giao thông - Vận tải trong việc triển khai các dự án do Bộ thực hiện trên địa bàn Thủ đô như đường Vành đai 3 trên cao, cầu Việt Trì - Ba Vì, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...
Nhiều người dân bày tỏ sự ghi nhận đối với những nỗ lực của thành phố trong việc phát triển kết cấu hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông trong những năm vừa qua. Ông Phạm Minh Hưởng (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: Trước đây, có những điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô kéo dài hàng cây số với thời gian lên đến cả tiếng đồng hồ, thì nay tình trạng này đã được cải thiện đáng kể. Trong số 37 điểm ùn tắc còn lại rất mong thành phố tiếp tục có giải pháp quyết liệt để dần xóa bỏ và không để phát sinh "điểm nóng" mới, giúp việc đi lại của nhân dân thuận tiện hơn.
Xây dựng tổng thể hệ thống hạ tầng giao thông khung
Những thành tựu đạt được là rất đáng khích lệ, song, đại diện Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội thừa nhận, mật độ đường giao thông vẫn chưa đồng đều giữa các vùng trên địa bàn thành phố. Mật độ đường khu vực lõi đô thị tương đối cao, nhưng phần lớn chưa đạt được quy mô theo quy hoạch do công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn. Ở khu vực ngoại thành, mật độ đường giao thông còn thấp... Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hạn chế; mạng lưới đường giao thông vẫn chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường vành đai, đường hướng tâm chưa hoàn chỉnh và khép kín... Việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa đạt được tính khoa học về dự báo phát triển của hoạt động xã hội, dẫn tới có những dự án, công trình phải xin cơ chế đặc thù mới thực hiện được. Thậm chí, có những hạng mục còn phải xin ý kiến của chính cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật...
Đề cập tới các nhiệm vụ tiếp theo, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện nhấn mạnh, thành phố sẽ tập trung hoàn thành phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết thuộc các lĩnh vực giao thông - vận tải, đặc biệt là quy hoạch bến bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ; quy hoạch gara ngầm tại khu vực 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); quy hoạch phân khu Ga Hà Nội và vùng phụ cận; quy hoạch dọc hai bờ sông Hồng...
Đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng, thành phố tập trung thực hiện "Chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2030" đã được cấp có thẩm quyền thông qua. Cụ thể, đối với đường bộ sẽ tập trung tối đa nguồn lực triển khai đầu tư cho khu vực đô thị trung tâm từ Vành đai 4 trở vào; cơ bản khép kín các tuyến đường vành đai, hệ thống cầu vượt sông Hồng và một số cầu vượt hướng tâm, đường trục chính đô thị chủ yếu...
Đối với hệ thống giao thông tĩnh, phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác 4 bến xe khách liên tỉnh (Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh), 6 bãi đỗ xe ngầm khu vực trong Vành đai 3 và một số bãi đỗ xe ngầm, nổi và cao tầng khác theo quy hoạch. Các dự án nằm trong danh mục Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông cũng sẽ được tập trung triển khai...
"Để hoàn thành các mục tiêu này, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành các quy định cụ thể để thực hiện Luật Thủ đô; ban hành hướng dẫn thực hiện các dự án bằng hình thức PPP (đối tác công - tư) để thu hút đầu tư đối với các dự án lớn, mang tính động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô", ông Vũ Văn Viện kiến nghị.