Cần nêu cao ý thức trách nhiệm
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:27, 24/07/2018
Cán bộ, đảng viên cần có nhận thức rõ để hành động đúng trong sử dụng internet. Ảnh: Hữu Tiệp |
"Giăng bẫy" tinh vi
Từ thực tế ở cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) Nguyễn Đăng Hoan cho biết, gần đây có hiện tượng đảng viên lên mạng xã hội tiếp nhận thông tin, trong khi chưa xác thực được thông tin đó đúng hay sai nhưng đã “tuyên truyền” tới quần chúng. “Có tham gia mạng xã hội mới thấy, thông tin vô cùng đa dạng, nhiều thông tin xấu, nếu không cảnh giác sẽ bị “nhiễm độc” ngay” - Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở nói. Thấy rõ tính chất nguy hại của tình trạng này, Đảng ủy xã đã chỉ đạo chấn chỉnh ngay; đồng thời trực tiếp Bí thư Đảng ủy xã đã nêu rõ những biểu hiện của âm mưu “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng, cảnh báo chung cho đảng viên trong Đảng bộ.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận xét: “Sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang ngày càng gia tăng trên môi trường mạng với hình thức ngày càng quyết liệt, trực diện, công khai”. Thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi: Lập ra hàng nghìn, hàng vạn trang tin, tài khoản Facebook, Youtube…, khi thì trực diện tấn công bằng các thông tin bịa đặt, vu cáo, xuyên tạc; lúc gián tiếp tấn công bằng những tin tức liên quan đến những bức xúc dân sinh hay hành vi tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên... Nhiều trang tin, tài khoản “đội lốt” đăng tải những kinh nghiệm sống, bài thuốc hay, video hài hước..., nhưng thực chất là đưa những thông tin nhằm bôi nhọ Đảng, Nhà nước ta.
Vì vậy, hiện tượng cán bộ, đảng viên tham gia mạng xã hội rồi chia sẻ (share), bày tỏ quan điểm thích (like) cả những thông tin chưa rõ ràng, thậm chí giả mạo ngày càng đáng báo động. Đặc biệt, khi kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV đang thảo luận về Luật An ninh mạng, Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách xuyên tạc sự thật, thông qua mạng internet kêu gọi chống phá, dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự tại một số địa phương phía Nam hồi trung tuần tháng 6-2018 cho thấy điều đó. “Từ một vụ việc không liên quan gì đến chính trị, từ vụ việc ở một địa phương nhỏ, nhưng bằng cách sử dụng mạng internet, các thế lực phản động hoàn toàn có thể “thổi” lên thành vấn đề chính trị với quy mô, cấp độ rộng lớn nếu cán bộ, đảng viên không cảnh giác” - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ rõ.
Nhận thức rõ để có hành động đúng
Hiện nay, một số nơi đã nhận thức được mức độ nguy hại của thông tin sai trái, xuyên tạc, phản động trên mạng và đề ra giải pháp phòng, chống. Ngoài việc chấn chỉnh kịp thời những đảng viên có biểu hiện sử dụng thông tin mạng internet không đúng, Đảng ủy xã Yên Sở còn có sáng kiến, trong mỗi buổi sinh hoạt Đảng, tổ chức tuyên truyền về những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan. Gần đây nhất, Đảng ủy xã đã phổ biến Quy định 102-QĐ/TƯ ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” cho toàn thể cán bộ, đảng viên. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đăng Hoan cho biết: “Quy định 102-QĐ/TƯ nêu rất rõ những việc sai trái mà đảng viên khi tham gia mạng xã hội có thể mắc phải và bị kỷ luật, nhưng nhiều đồng chí chưa nắm được điều này”.
Trong khi đó, Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông đã ban hành Đề án về tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội. Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông Đặng Thị Thu Hương, Ban đã hướng dẫn, tổ chức lực lượng từ tư vấn đến tham gia trực tiếp đấu tranh. Ban tổ chức hai lớp hướng dẫn cán bộ, đảng viên nhận diện, đấu tranh với thông tin sai trái, xuyên tạc, phản động... Đây là việc rất cần được nhân rộng trong thời điểm hiện nay.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều cán bộ công tác trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cho rằng, để giúp cán bộ, đảng viên trở thành nhân tố tích cực khi tham gia không gian mạng, cần nâng cao kiến thức về mọi mặt, hướng dẫn cụ thể để họ giữ vững bản lĩnh chính trị, có phương pháp xem xét, tiếp cận thông tin đúng đắn, khoa học. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, phải coi không gian mạng là một “mặt trận” trọng tâm, trọng điểm về đấu tranh tư tưởng. Cán bộ tuyên giáo phải tự giác đổi mới mình để thích nghi với tình hình mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, phải đối xử đúng mức với không gian mạng, khắc phục ngay tình trạng: “Có một tờ A4 truyền đơn nói xấu cán bộ rớt ở đường phố thì trong ngày hôm đó phường, ủy ban sẽ họp, kiểm điểm. Nhưng khi nội dung đó xuất hiện trên mạng, hàng nghìn người đọc, lại coi như bình thường”. Đây là những lý do đặt ra yêu cầu với mỗi cán bộ, đảng viên, phải tự thay đổi nhận thức để có hành động đúng đắn và trách nhiệm khi sử dụng internet. “Nếu mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, đội viên sử dụng phát ngôn, tham gia mạng xã hội hằng ngày “share” cho nhau bài báo hay, một tin tốt, viết một bình luận hay… sẽ góp phần làm công tác tư tưởng của Đảng tốt hơn rất nhiều” - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nêu rõ.
Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Trung ương chỉ rõ, một trong 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là: "Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân". Quy định số 47-QĐ/TƯ ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Những điều đảng viên không được làm” nêu rõ trong những mục đầu tiên những nội dung đảng viên "không được làm" khi tham gia mạng internet. Mục c và d, Khoản 1, Điều 8 “Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng” của Luật An ninh mạng cũng quy định rõ những vấn đề liên quan mà cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện. |